Phòng, chống cháy rừng cao điểm mùa khô năm 2022

15/02/2022, 06:24

Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2022.

z1951453847559_f56eae27ec88adaf60fc604f6c643585.jpg
Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.Hòa

Sự cần thiết để xây dựng phương án

Tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng 336.256 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 288.674,43 ha, diện tích rừng trồng 47.582,37 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,04%. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng khộp là loại rừng rụng lá vào mùa khô nằm phân bố ở vùng đồng bằng, núi đất đến vị trí giáp ranh với vùng rừng núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển lực lượng thực thi nhiệm vụ chống phá rừng hoặc di chuyển lực lượng để tiếp cận đám cháy và triển khai công tác chữa cháy rừng. Diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng nằm phân bố trên các lâm phần có khí hậu khô, nóng gồm các loài cây chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn, phần lớn những diện tích rừng trồng nằm tiếp giáp với các khu vực dân cư và đất canh tác nông nghiệp nên những diện tích rừng này dễ bị xâm hại và có nguy cơ cháy rừng cao. Trong năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai tích cực. Theo đó đã phát hiện và lập hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp 270 vụ, khởi tố hình sự 6 vụ, tịch thu 254,17 m3 các loại, 3 ô tô, 9 xe trâu bò kéo, 136 xe máy, 27 phương tiện khác, nộp ngân sách nhà nước hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 26 trường hợp cháy thực bì với diện tích 35 ha/67,02 ha (giảm 47,78%) so với cùng kỳ năm 2020. Để giảm thiểu số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm thiểu số vụ cháy rừng và thiệt hại tài nguyên rừng trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận xác định: việc xây dựng, thực hiện phương án phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, vì đây là cơ sở pháp lý để phân công nhiệm vụ, phân địa bàn giúp chính quyền địa phương cấp huyện, xã, chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng nhằm chủ động sẵn sàng phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ ở các khu vực trọng điểm từ tỉnh đến huyện, xã. Đồng thời, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo hướng phòng ngừa với nhiều biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở, qua đó làm hạn chế tối thiểu số vụ cháy rừng, tình hình vi phạm và tội phạm trên lĩnh vực lâm nghiệp.

Tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện có

Với phương châm “phòng là chính, bảo vệ và chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời và triệt để” nhất là ở các khu rừng có trữ lượng và giá trị kinh tế cao nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất rừng trái phép và không để xảy ra các điểm nóng. Phấn đấu làm giảm số vụ vi phạm cả về tính chất lẫn mức độ vi phạm thiệt hại do cháy rừng, phá rừng và không để xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Đồng thời, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất giữa các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia truy quét chống phá rừng, chữa cháy rừng đáp ứng kịp thời công tác ứng phó, khắc phục hậu quả khi có phá rừng, cháy rừng xảy ra. Để thực hiện được mục tiêu đó đòi hỏi các địa phương phải chỉ đạo xây dựng, triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát lại kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021 để bổ sung các biện pháp phòng, chống phá rừng và ứng phó sự cố cháy rừng phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn quản lý, đồng thời rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ, đội ứng cứu nhanh cấp huyện, xã và các tổ, đội quần chúng phòng cháy chữa cháy rừng cơ sở (cấp xã, thôn). Thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời triển khai lực lượng ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng khi có dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên. Đối với các đơn vị chủ rừng, chủ dự án được Nhà nước giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức thực tập phương án phòng cháy chữa cháy rừng bảo đảm theo phương châm 4 tại chỗ. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và loại bỏ nguồn lửa gây cháy rừng, khả năng bén lửa của vật liệu cháy, dập tắt kịp thời đám cháy khi mới phát sinh. Chấm dứt nhanh lây lan của đám cháy, đảm bảo an toàn cho lực lượng và phương tiện chữa cháy rừng, đặc biệt phải chịu trách nhiệm nếu để rừng do đơn vị quản lý bị cháy…

PHAN LIÊN

Related articles
Bắt 5 đối tượng đánh người gây thương tích và giữ người trái pháp luật
BTO- Quá trình điều tra vụ việc, cơ quan công an xác định ngoài gây thương tích cho nạn nhân, việc nhóm nghi can này giữ anh Trí từ 17 giờ đến 21 giờ là trái với quy định của pháp luật.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng, chống cháy rừng cao điểm mùa khô năm 2022