Lý do Đức né tránh “nói thẳng” về trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2

10/02/2022, 10:22

Thủ tướng Olaf Scholz bày tỏ Đức có chung quan điểm với Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng ông không trực tiếp nói thẳng về các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.

Đối với nhiều đồng minh của Đức, việc Thủ tướng Olaf Scholz từ chối tuyên bố rõ ràng rằng Nga sẽ mất đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu tấn công Ukraine, là điều khó hiểu.

Một số nhân vật trong liên minh cầm quyền của ông Scholz cũng cảm thấy như vậy.

“Không có lời giải thích hợp lý nào cho điều này”, ông Reinhard Bütikofer, nghị sỹ thuộc Nghị viện Châu Âu, từng là đồng Chủ tịch đảng Xanh,  một trong 3 đảng thuộc chính phủ liên minh của Thủ tướng Scholz, đánh giá.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lý do nằm ở chiến thuật ngoại giao, chính trị đảng phái trong nước và những lo ngại về pháp lý. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau khiến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), trở thành một vấn đề đau đầu đối với Thủ tướng Đức.

Về mặt ngoại giao, chính phủ Đức cho biết họ muốn Nga phải đoán trước về các đòn trừng phạt tiềm tàng. Việc một số chính trị gia cấp cao trong nội bộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2 cũng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn đối với Thủ tướng Đức.

Bên cạnh đó còn có yếu tố pháp lý: can thiệp về mặt chính trị vào một quyết định quản lý có thể khiến chính phủ Đức phải đối mặt với các thách thức từ tòa án và các khoản chi trả khá cao.

Những lý do kể trên khó có thể thuyết phục những người phản đối dự án và cũng không đưa ra được câu trả lời đầy đủ. Nhưng chúng có thể lý giải vì sao Thủ tướng Scholz vẫn kiên trì theo đuổi đường lối của ông, bất chấp sức ép từ các đồng minh đang gia tăng.

“Chúng tôi sẽ chấm dứt dự án”, Tổng thống Biden tuyên bố, nêu rõ quan điểm của Mỹ về số phận của Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga tấn công Ukraine.

Về phần mình, ông Scholz thể hiện rằng Berlin cùng quan điểm với Washington, nhưng lại không trực tiếp nói ra điều đó.

Sức ép gia tăng

Nhiều năm qua, Berlin đã tìm cách bác bỏ chiều hướng chính trị của dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, cách tiếp cận này ngày càng trở nên khó khăn khi Nga tập trung lực lượng gần biên giới Ukraine, từ chối lùi bước nếu NATO không rút khỏi Đông Âu.

Nhiều nước phương Tây từ lâu đã phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 do lo ngại châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, khi sự đồng thuận xung quanh việc đưa dự án vào bất cứ gói trừng phạt nào nhằm vào Nga ngày càng trở nên rõ ràng, phía Đức vẫn chưa tuyên bố rõ ràng quan điểm.

Thủ tướng Scholz thừa nhận, vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn đang được cân nhắc, nhưng ông không tuyên bố dứt khoát sẽ chấm dứt dự án này nếu Nga phát động một cuộc tấn công vào nước láng giềng.

Việc ông Scholz từ chối thống nhất lập trường với Tổng thống Biden trong cuộc gặp ở Washington ngày 7/2 đã có tác động khắp Đại Tây Dương.

Tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock dự kiến vào ngày 8/2. Lý do được cho là vì giận dữ trước quan điểm khó hiểu của chính phủ Đức.

Chính trị gia đảng Xanh Bütikofer đặc biệt chỉ trích về cách thể hiện của ông Scholz: “Tại cuộc họp báo [cùng Tổng thống Mỹ], ông Scholz đã bỏ lỡ cơ hội để tuyên bố rằng nước Đức đang ở vị thế có thể đưa ra những hậu quả thích đáng”.

Sự chỉ trích cũng đến từ phe đối lập Đức. Ông Norbert Röttgen, một nhà lập pháp chuyên về chính sách đối ngoại của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trung hữu cho rằng: “Với việc không nêu rõ hậu quả đối với Dòng chảy phương Bắc 2, Thủ tướng đã tạo ra tác động tiêu cực”.

Chính trị đảng phái và những lo ngại về pháp lý

Ngày 8/2, một quan chức Đức đã tìm cách bảo vệ quan điểm của Thủ tướng Scholz, cho rằng Đức có truyền thống lâu nay không tiết lộ các biện pháp trừng phạt tiềm tàng mà nước này đang lên kế hoạch nhằm vào Moscow.

Thay vào đó, Berlin cố gắng nói một cách đơn giản rằng Nga sẽ phải trả một cái giá đắt nếu tấn công Ukraine.

“Thủ tướng đã nhiều lần nói rõ rằng, nếu một cuộc tấn công xảy ra, tất cả các lựa chọn sẽ được đặt trên bàn thảo luận. Ông ấy cũng đã từng nói về cái giá đắt đỏ mà Nga sẽ phải trả”, quan chức này nhấn mạnh.

Vẫn có một số yếu tố khác đóng vai trò nhất định trong việc ông Scholz do dự tuyên bố thẳng thừng về các hậu quả rõ ràng đối với Nga, chẳng hạn như chính trị đảng phái và các lo ngại về pháp lý.

Trong nội bộ đảng Dân chủ Xã hội, có một số chính trị gia cấp cao ủng hộ dự án, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht. Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội Kevin Kühnert, Thủ hiến bang miền Bắc Mecklenburg-Vorpommern, ông Manuela Schwesig đều là những nhân vật nổi bật ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2.

Đáng chú ý nhất trong số này còn có cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, người có liên kết chặt chẽ với Nga. Hôm 4/2, có thông báo ông Schröder được đề cử vào hội đồng quản trị tại Gazprom, công ty năng lượng quốc doanh của Nga đứng sau Dòng chảy phương Bắc 2.

Kinh tế cũng là một lý do quan trọng. Nhận khí đốt của Nga thông qua đường ống trực tiếp, Đức và các nước Tây Âu khác sẽ có lợi thế về tài chính vì không phải trả phí vận chuyển cho các nước trung gian như Ukraine. Đức cho biết nước này muốn tiếp tục nhận một phần khí đốt thông qua Ukraine để hỗ trợ Kiev, nhưng nhiều người phản đối đã đặt câu hỏi rằng điều này liệu có thể kéo dài bao lâu.

Hơn nữa, Thủ tướng Scholz và Ngoại trưởng Baerbock đã nói rằng Đức cần khí đốt của Nga trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng than và hạt nhân sang năng lượng tái tạo.

Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thiện, nhưng vẫn đang chờ các cơ quan quản lý của Đức phê duyệt. Quá trình này hiện đang bị tạm dừng vì lý do kỹ thuật. Trong khoảng thời gian này, Berlin sẽ gặp nhiều rủi ro nếu can thiệp về mặt chính trị và dừng dự án. Nếu một thẩm phán nhận thấy việc đình chỉ dự án không hợp lý, điều đó có thể dẫn đến các thách thức pháp lý và các hình phạt khá cao đối với chính phủ Đức.

“Chính phủ liên bang luôn cân nhắc - và theo quan điểm của tôi là hoàn toàn đúng - rằng họ không muốn phải gánh chịu thiệt hại”, ông Bütikofer nói, cho thấy đây có thể là lý do ông Scholz cẩn trọng trong việc phát ngôn.

Ông Röttgen của CDU nhận định Thủ tướng Scholz sẽ tiếp tục chịu sức ép sau thông điệp miễn cưỡng về Dòng chảy phương Bắc 2 khi ông tiếp các nhà lãnh đạo từ 3 quốc gia Baltic - Litva, Estonia và Latvia tại Berlin trong ngày 10/2.

“Các nước Baltic luôn phản đối dự án này và cảm thấy bị đe dọa vì là các nước nhỏ và là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Họ luôn kỳ vọng Berlin sẽ có một lập trường rõ ràng hơn khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga”, ông Röttgen nói./.

VOV.VN

Related articles
Nhật Bản ra nghị quyết về Ukraine, không chấp nhận thay đổi hiện trạng bằng vũ lực
Hôm nay (9/2), Thượng viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết về tình hình Ukraine với đa số phiếu tán thành từ tất cả các đảng phái. Trước đó Hạ viện Nhật Bản cũng thông qua Nghị quyết tương tự. Nghị quyết không chấp nhận việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Ukraine.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Đức né tránh “nói thẳng” về trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2