Châu Âu không thể thiếu khí đốt Nga, Biden khó ép hủy bỏ Dòng chảy phương Bắc 2

09/02/2022, 14:51

Tổng thống Biden có sẵn sàng ép các bên liên quan hủy bỏ Dòng chảy phương Bắc 2 khi mà châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga và việc cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc này chẳng khác nào “lấy đá ghè chân mình”?

Nói nhưng chưa chắc đã làm

Chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể về việc khiến cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dừng hoạt động nếu Moscow tấn công Kiev trong khi các đồng minh và đối thủ của Washington ở châu Âu ngày càng nghi ngờ về những nỗ lực răn đe gần đây của Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Joe Biden ngày 7/2 đã tuyên bố: "Tôi cam kết chúng tôi có thể khiến đường ống năng lượng chảy qua Biển Baltic này không thể đi vào vận hành".

Chính quyền Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện những biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có nhằm vào vòng tròn thân cận của Tổng thống Putin nếu xung đột Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa công bố những biện pháp cụ thể với dự án gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức. Trên thực tế, khi được hỏi về những đe dọa liên quan đến dự án này hôm 8/2, một trong những đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tại châu Âu đã tránh đề cập chi tiết.

"Tổng thống đã khẳng định rõ ràng rằng nếu Nga tấn công Ukraine, dù theo cách nào thì Dòng chảy phương Bắc sẽ không đi vào vận hành", Michael Carpenter, đại diện thường trực Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho hay, đồng thời cho biết thêm: "Tổng thống Biden đã có một cuộc trao đổi rất tốt với Thủ tướng Đức ở Washington”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng từ chối đề cập đến dự án này khi trả lời phỏng vấn sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden, và chỉ tuyên bố: "Như Tổng thống Biden đã khẳng định, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho việc này. Đức chắc chắn sẽ sát cánh cùng tất cả các đồng minh của chúng tôi, đặc biệt là Mỹ khi chúng tôi thực hiện những bước đi tương tự nhau”.

Tass dẫn lời một số chuyên gia năng lượng Nga nhận định, những đe dọa của Tổng thống Biden với Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ khiến tình hình ở Ukraine thêm tồi tệ và gây sức ép buộc các đối tác châu Âu chấp nhận khí tự nhiên của Mỹ thay vì của Nga. Hãng thông tấn này cũng dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết các nước châu Âu vẫn cảm thấy mơ hồ về kế hoạch của Tổng thống Biden nhằm thực hiện đe dọa trên, trong khi các quan chức Đức kín đáo bày tỏ quan điểm về việc nước này không mấy sẵn sàng sát cánh cùng Mỹ trong trường hợp xung đột quân sự nổ ra ở trong và quanh Ukraine.

"Nếu châu Âu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này thì chỉ có thể phụ thuộc vào khí đốt Nga và phát triển quan hệ với Nga về năng lượng. Những lựa chọn còn lại sẽ rất mất thời gian, tốn kém và nguy hiểm", Alexei Grivach, Phó Tổng giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga cho hay.

Mỹ có thể làm gì với Dòng chảy phương Bắc 2?

Năng lượng là một vấn đề chính trị lớn ở Trung và Đông Âu, nơi mà nguồn cung khí đốt Nga đóng vai trò quan trọng. Giá khí tự nhiên đã lên gần mức cao kỷ lục ở châu Âu và một cuộc xung đột ở Ukraine có thể tiếp tục khiến người tiêu dùng điêu đứng.

Khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga là Đức đã cố gắng tách bạch Dòng chảy phương Bắc 2 khỏi các vấn đề chính trị toàn cầu nhưng việc này không thể tránh khỏi sau khi Nga đưa hơn 100.000 binh lính tới gần biên giới với Ukraine.

Nga gần đây đã liên tục phủ nhận việc sử dụng năng lượng để gây sức ép với châu Âu nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đổ lỗi cho Nga với cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay ở châu Âu khi cung cấp ít hơn khả năng mà nước này có thể.

Dòng chảy phương Bắc 2 có thể thay đổi sự cân bằng quyền lực ở châu Âu trong vấn đề năng lượng. Hiện nay, Nga vẫn cần Ukraine bởi một lượng lớn khí đốt mà Moscow bán cho châu Âu chảy qua quốc gia này.

Các quan chức Mỹ khẳng định họ sẽ có động thái khiến Dòng chảy phương Bắc 2 dừng hoạt động nếu Nga tấn công Ukraine, song không công bố về kế hoạch cụ thể.

Các lệnh trừng phạt cũng là một công cụ đang được để ngỏ.

Mỹ đã trừng phạt dự án trên vào năm 2017, 2019 và 2020. Hồi tháng 1/2021, chính quyền cựu Tổng thống Trump thậm chí đã áp lệnh trừng phạt lên một tàu lắp đặt đường ống mà tập đoàn Gazprom của Nga sử dụng để thi công Dòng chảy phương Bắc 2.

Dù vậy, đường ống này vẫn hoàn thành đã làm dấy lên những câu hỏi rằng liệu các biện pháp trừng phạt bổ sung có hiệu quả để ngăn nó đi vào hoạt động hay không.

Hậu quả nặng nề nếu châu Âu “đoạn tuyệt” khí đốt Nga

Mỹ và các đồng minh đang tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt Nga nếu xung đột Ukraine nổ ra. Nhà Trắng vào tháng trước cho biết đang trao đổi với các quốc gia và công ty để tăng sản lượng, đồng thời tìm kiếm những nguồn cung khí tự nhiên thay thế có thể chuyển hướng sang châu Âu.

"Chúng tôi đang xây dựng sự hợp tác về an ninh năng lượng với Mỹ, chủ yếu liên quan đến việc tăng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng. Chúng tôi cũng đang trao đổi với các nhà cung cấp khí đốt khác, chẳng hạn như Na Uy để tăng nguồn cung sang châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bình luận.

Tuy nhiên, châu Âu sẽ phải chật vật trong một thời gian dài nếu không có khí đốt từ Nga và việc tìm kiếm những nguồn cung thay thế đã cho thấy thách thức to lớn về hậu cần.

Những đường ống mới và cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên cần nhiều năm để xây dựng. Việc chuyển hướng một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch vào thời điểm thị trường toàn cầu và mạng lưới vận chuyển đang gặp khó khăn, sẽ cần sự hợp tác từ những nhà xuất khẩu khí đốt lớn.

Nikos Tsafos, một chuyên gia về năng lượng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định với CNN rằng sự gián đoạn nguồn cung ở quy mô nhỏ hiện nay sẽ bẻ cong nhưng không làm đứt gãy hệ thống. Tuy nhiên, viễn cảnh tồi tệ nhất khi khí đốt Nga bị cắt đứt hoàn toàn sẽ là một câu chuyện khác.

"Việc cắt giảm dòng chảy khí đốt qua Ukraine là việc khó khăn nhưng có thể xoay sở được. Tuy nhiên, việc cắt giảm hoàn toàn xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ là một thảm họa. Châu Âu không có cách nào để thay thế việc này", chuyên gia này cho hay./.

VOV.VN

Related articles
Ba Lan chính thức ra mắt lực lượng phòng vệ không gian mạng
Ngày 8/2, Bộ Quốc phòng Ba Lan tổ chức lễ ra mắt một bộ phận hoàn toàn mới của lực lượng vũ trang Ba Lan với tên gọi Lực lượng phòng vệ không gian mạng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu không thể thiếu khí đốt Nga, Biden khó ép hủy bỏ Dòng chảy phương Bắc 2