Thanh long Bình Thuận: Thời điểm nỗ lực giữ thương hiệu. Bài 3: Sản xuất theo chuỗi và đa dạng giải pháp

10/01/2022, 09:28

BT- Bên cạnh chuỗi liên kết thanh long, thời điểm khó khăn này, cần một sự liên kết, hỗ trợ khác để tạo tinh thần “thua keo này, bày keo khác” cùng nỗ lực giữ thương hiệu thanh long Bình Thuận.

untitled-1.jpg
Đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh tư liệu: N.Lân

Thời điểm “giật mình”

Những ngày này, khi ảnh hưởng của việc đóng các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã trầm trọng hơn, khiến những vườn thanh long có trái đang chín đỏ ở các vùng, vắng thêm người mua thì các hộ dân sản xuất thanh long nằm trong 3 chuỗi liên kết ở Hàm Thuận Nam vẫn bán được hàng. Nguyên nhân, các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết, ngoài xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc còn xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ, Du Bai… nên hàng vẫn đi theo hợp đồng đã ký kết, dù dịp gần tết có nhiều trở ngại trong xuất hàng qua đường biển. Tại chuỗi liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 thuộc xã Hàm Minh và bên tham gia liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH TM Đối ngoại TFHD, mấy ngày qua vẫn mua thanh long chín của 26 ha nằm trong liên kết của năm 2021. Theo kế hoạch, năm 2022 này, diện tích thanh long trong chuỗi liên kết trên tăng lên 36 ha và sang năm 2023 sẽ là 46 ha. Tương tự, chuỗi liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Cơ sở thu mua thanh long Triều Bảo thuộc xã Mương Mán và bên tham gia liên kết là các hộ dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam cũng mua thanh long chín trên 20 ha đã liên kết trong năm 2021. Còn năm 2022, chuỗi liên kết sẽ tăng lên 30 ha và năm 2023 lên 40 ha. Trong khi đó, chuỗi liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Cơ sở thu mua thanh long Bối Trác tại xã Thuận Quý và bên tham gia liên kết là Hợp tác xã thanh long Quốc Cường thì tiêu thụ thanh long trên 30 ha đã liên kết của năm 2021. Song song đó, là kế hoạch sẽ tăng lên 40 ha trong năm nay và sang năm 2023 là 50 ha.

Đó là kết quả tính từ năm 2020, khi Hàm Thuận Nam triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. 3 liên kết trên với số tác nhân tham gia gồm có 2 HTX; 1 Tổ hợp tác; 2 doanh nghiệp và chỉ có 45 hộ nông dân.

Theo một số hộ dân sản xuất trong chuỗi liên kết, dù không được mua theo giá đã ký kết ban đầu là thanh long hàng điện sẽ được mua 16.000 đồng/kg (còn hàng mùa là 8.000 đồng/kg) nhưng trong tình cảnh chung thanh long chín không ai mua, nhiều nhà phải thuê công cắt bỏ làm phân thì hàng mình được mua. Vậy cũng được!

Đó cũng là sự so sánh của rất nhiều hộ dân trồng thanh long chưa nằm trong liên kết. Điều đó như đang gỡ dần khó khăn khi lâu nay nhận thức của một số bộ phận người nông dân với việc liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị chưa cao. Vì hầu hết đều vì lợi ích trước mắt, chưa thấy được lợi ích về mặt lâu dài. Thêm nữa, bởi chưa hiểu, chưa tin tầm quan trọng khi tham gia ký kết sản xuất hàng hóa của người dân… Và tình cảnh thanh long rơi vào khủng hoảng những ngày qua, với sự đối nghịch bên được mua, bên không được mua trên đã khiến bao người dân ở đây phải giật mình nhìn lại. Chuyện sẽ còn trầm trọng hơn, khi toàn huyện Hàm Thuận Nam từ đây đến tết sẽ thu hoạch được khoảng 40.000 tấn thanh long.

Cần cách liên kết khác

Không chỉ riêng Hàm Thuận Nam, các huyện, thị khác cũng không ngoại lệ, đưa tổng sản lượng thanh long dự kiến sẽ thu hoạch trên địa bàn tỉnh đến tháng 2/2022 lên khoảng 120.000 tấn. Trong khi đó, chỉ có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Bên cạnh, rộ lên nhiều cơ sở chế biến sâu từ trái thanh long nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 10% sản lượng thanh long. Số còn lại chưa biết xử lý sao cho hợp lý, khi xuất hàng đi đường biển đang có mức tăng chi phí lên đến 200 - 300 triệu đồng/container. Hơn nữa, để chuyển từ đường bộ sang đường thủy, các cơ sở, doanh nghiệp ít nhất cũng mất 3 tháng để xây dựng cái gọi là “buôn có bạn, bán có phường”…

Đó là tình hình không chỉ riêng Bình Thuận, mà 2 tỉnh có thanh long nhiều khác như Long An, Tiền Giang cũng đang rơi vào tình cảnh như trên. Như Long An có khoảng 10.000 ha thanh long với hơn 20.000 tấn, địa phương này có khoảng 100 kho đông lạnh với công suất khoảng 5.400 tấn, nhưng lượng hàng tồn gần 3.000 tấn, giờ chỉ còn sức chứa 2.400 tấn. Với tình cảnh chung như vậy, trả lời báo chí những ngày qua, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) chia sẻ: “Việt Nam cần phải tạo nên chuỗi sản xuất mà trong đó doanh nghiệp lớn là hạt nhân lôi kéo được sự tham gia của hợp tác xã địa phương, nông dân trong chuỗi sản xuất quy mô lớn. Chuỗi sản xuất ấy phải tuân thủ quy định về vùng trồng, mã số mã vạch, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... thì mới tránh được rủi ro”.

Đó cũng là mô hình mà các chuỗi liên kết đang manh nha xuất hiện tại tỉnh đang hướng đến. Như 3 chuỗi liên kết tại Hàm Thuận Nam đã hoạt động 1 năm qua khiến nhiều hộ dân ở đây quan tâm nhiều đến cách phân loại trái thanh long để bán cho các thị trường khác nhau, tùy theo mẫu mã, kích cỡ với 5-7 loại. Điều đáng nói, các thị trường trên đều chấp nhận. Từ đây, hiểu hơn vấn đề mà mấy ngày qua, có chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh là phải tạo ra sản phẩm đạt mức sàn chất lượng. Cái chính để khi Trung Quốc không mua hàng thì có thể bán cho nước khác. Vì thực tế, ở Trung Quốc đã trồng tất cả các loại cây, trong đó có thanh long nên chỉ khi lệch mùa thì thanh long Bình Thuận mới vào thị trường này với giá cao. Và cũng vì thanh long Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý ở nhiều thị trường khác, trong đó gần nhất là tại thị trường Nhật Bản nên việc xâm nhập vào các thị trường này chỉ còn là vấn đề thời gian, khi có sản phẩm chất lượng.

Cũng những ngày qua, chuyện đa dạng hóa thị trường, trong đó cần tính và coi trọng thị trường nội địa được chú ý. Vì ngay cả thị trường trong nước, Bình Thuận còn chưa giải tỏa hết những băn khoăn về sản phẩm chưa an toàn. Làm sao để tạo sự tin tưởng cho 100 triệu dân, mỗi năm chỉ cần 1 người ăn 10 kg thanh long thì tổng sản lượng tiêu thụ rất lớn, nhất là thanh long lại quá tốt cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long lên tỷ lệ 30%, con số mà Bộ Nông nghiệp cho rằng sẽ điều tiết được đầu ra cho bất cứ trái cây tươi nào. Và những sản phẩm chế biến từ trái thanh long đã điểm tên như kem, mứt, snack, mì tôm... và cả phân hữu cơ được ủ từ trái thanh long là tiền đề cho hy vọng đạt tỷ lệ trên.

Nhưng đó là thời gian tới. Còn bây giờ, trong cảnh không bán được hàng, giá phân bón lại tăng vọt, chuyện bỏ bê vườn thanh long sẽ xảy ra, dù không ít nông dân đã than rằng, không làm thanh long nữa thì không biết làm gì. Các đại lý bán phân, thuốc cho thanh long bị sụt giảm doanh thu so với cùng thời điểm năm ngoái đến 30% và không thu được tiền nợ… Do vậy, trong thời điểm khó khăn này, cần một sự liên kết, hỗ trợ để tạo tinh thần “thua keo này, bày keo khác” cùng nỗ lực giữ thương hiệu thanh long Bình Thuận.

K.HẰNG - Q.TÍN- B.NGHỊ

Related articles
Thanh long Bình Thuận: Thời điểm nỗ lực giữ thương hiệu. Bài 1: Trước “cơn bão” 1 thị trường
BT- Mặc dù đã xảy ra rất nhiều lần vào dịp tết nhưng đợt tụt dốc giá thanh long vụ tết lần này khiến nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long “điêu đứng”.

(1) Comments
Focus
Tuân thủ an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh
Ngày nay, các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đang được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp khai khoáng, năng lượng, y tế. Lĩnh vực an toàn bức xạ (ATBX) được Sở KH & CN phối hợp sở, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đảm bảo ATBX, an ninh nguồn phóng xạ, chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận: Thời điểm nỗ lực giữ thương hiệu. Bài 3: Sản xuất theo chuỗi và đa dạng giải pháp