Chuyên gia Australia: Omicron không nguy hiểm như biến thể Delta

27/12/2021, 15:24

Mặc dù số ca mắc mới liên tục ở mức cao kỷ lục tính từ đầu dịch đến nay nhưng số bệnh nhân phải nhập viện điều trị hoặc chăm sóc đặc biệt tại Australia lại ở mức thấp.

Biến thể Omicron đang lây lan mạnh và liên tục thiết lập kỷ lục về số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Australia, tuy nhiên giới chuyên gia dịch tễ học tại đây cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể này không gây các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, nhất là đối với những người đã tiêm chủng.

Một đợt dịch Covid-19 mới đang tiếp tục lây lan tại hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Australia, trong đó nhiều trường hợp được xác nhận là mắc biến thể Omicron. Đáng chú ý, riêng tại hai bang đông dân nhất của nước này là New South Wales và Victoria ngày hôm nay (27/12) đã ghi nhận hơn 8.300 ca mắc mới.

Mặc dù số ca mắc mới liên tục ở mức cao kỷ lục tính từ đầu dịch đến nay nhưng số bệnh nhân phải nhập viện điều trị hoặc chăm sóc đặc biệt lại ở mức thấp.

Theo Giáo sư Tony Blakely, chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Melbourne, khoảng 6 tháng trước đây, trung bình mỗi ngày tại Australia có 10 người phải nhập viện điều trị do mắc Covid-19, nhưng hiện tại con số này đã giảm một nửa. Giải thích về thực trạng này, Giáo sư Blakely cho rằng hiện ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đã giúp kéo giảm số ca mắc bệnh phải nhập viện.

Còn theo số liệu của bang New South Wales, hiện trên toàn bang có 458 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó hơn 50 người đang được chăm sóc đặc biệt và nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng nhất chưa được tiêm chủng.

Tình trạng số ca nhiễm liên tục tăng cao đã buộc chính quyền các địa phương tại Australia khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu tại những không gian kín. Dịch lây lan mạnh đúng vào dịp Giáng sinh và kỳ nghỉ năm mới khi người dân có nhu cầu đi lại tăng đột biến đã dẫn đến hiện tượng quá tải đối với nhiều điểm xét nghiệm. Người dân đã phải xếp hàng nhiều giờ để được lấy mẫu và kết quả xét nghiệm bị chậm từ 2 đến 3 ngày đã phá hỏng kế hoạch đi nghỉ của nhiều gia đình.

Trước thực tế này, chính quyền và giới chức y tế Australia đang kêu gọi người dân chỉ đến các địa điểm xét nghiệm nếu có các triệu chứng của bệnh Covid-19 hoặc trong trường hợp thực sự cần thiết để giúp giảm tải cho các cơ sở xét nghiệm, đồng thời cũng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong thời gian chờ đợi tại đây./.

VOV.VN

Related articles
Thủ đô New Delhi áp đặt lệnh giới nghiêm
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron đang gia tăng nhanh chóng, chính quyền New Delhi đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại thủ đô, từ 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/12.

(0) Comments
Focus
Hoàn thành giải quyết hơn 8.800 hồ sơ tồn đọng nghĩa vụ tài chính về đất
BTO-Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến chiều 14/11, ngành thuế tỉnh đã giải quyết 100% hồ sơ tồn đọng nghĩa vụ từ đất trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/8/2024, tương đương 8.811 hồ sơ, số thuế thu nộp vào ngân sách hơn 88,4 tỷ đồng.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Australia: Omicron không nguy hiểm như biến thể Delta