Theo đó yêu cầu Sở Công Thương chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới.
Ngoài ra, cũng tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, điều tiết hàng hóa đưa lên cửa khẩu biên giới hợp lý, hiệu quả. Đồng thời tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến để chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ…
Với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nắm bắt thông tin, tuyên truyền đến hộ nông dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu thanh long và tình trạng ùn ứ, tồn đọng để chủ động trong sản xuất, thu hoạch cũng như có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển thanh long lên các cửa khẩu hợp lý. Tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu. Bên cạnh đó còn liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ thanh long minh bạch, công khai và có lợi cho người nông dân.
Liên quan vấn đề này, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh và hộ trồng thanh long về tình hình lẫn nhu cầu thị trường tiêu thụ thanh long để có phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long phù hợp. Mặt khác cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long với những giải pháp cụ thể, khả thi nhất. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, xã viên tiếp tục liên kết sản xuất tiêu thụ chặt chẽ, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc…
Riêng với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại cửa khẩu và các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang… Có phương án điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc và giữ liên lạc chặt chẽ, trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt tình hình việc tiếp nhận hàng hóa tại các cửa khẩu.
Tiếp nữa là chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ với đối tác đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch để giảm thiểu rủi ro mà hình thức thương mại tiểu ngạch có thể đem lại. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống dịch đối với người và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.