Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số

20/05/2019, 08:41

BT - Bình Thuận có 35 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 93% dân số của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7% dân số, nhiều nhất là dân tộc Chăm và Raglay.

Phải khẳng định rằng, hoạt động văn hóa – nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có bước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn, phát huy, xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa được đẩy mạnh, góp phần xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các văn hóa sự kiện, văn hóa nghệ thuật cùng với phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng được duy trì và hướng về cơ sở. Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Thuận góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng quan tâm xây dựng những quy tắc ứng xử và phổ biến trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực, sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Qua đó còn góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống của con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia, các di tích đang được bảo tồn, trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, giữ gìn và phát huy có hiệu quả. Trong số 27 di tích có 5 di tích của đồng bào Chăm gồm: nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư, di tích lịch sử nghệ thuật đền thờ Pô Klong Mơh Nai, bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm, đền thờ Pô Nít và di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Đam. Huyện Bắc Bình là một trong những huyện có nhiều người Chăm sinh sống từ lâu đời. Người Chăm ở Bình Thuận nói chung và huyện Bắc Bình nói riêng có một nền văn hóa nông nghiệp phát triển, họ sống chủ yếu bằng nghề nông. Chính vì vậy, dân tộc Chăm có một chuỗi hệ thống lễ nghi nông nghiệp đồ sộ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian biểu hiện đậm nét qua hàng trăm lễ hội, lễ nghi còn lưu giữ đến ngày nay. Văn hóa vật thể của người Chăm đa dạng với những đền, tháp và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hết sức tinh xảo. Những ngôi tháp Chăm ngàn năm cổ kính vẫn còn hiện hữu theo thời gian với nghệ thuật độc đáo về kiến trúc và điêu khắc. Ngoài việc có tiếng nói và chữ viết riêng, có trang phục và phong tục thờ cúng thì các loại hình nghệ thuật ca, múa dân gian Chăm là phần không thể thiếu được trong đời, sống tinh thần. Tuy nhiên, trong một số lễ hội đã có từ rất lâu đời những giá trị di tích văn hóa Chăm cũng bị thời gian làm mai một, thất lạc dần, nếu không kịp thời bảo vệ và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa lịch sử đó thì nguy cơ mai một là điều có thể xảy ra.

Để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh rất cần sự quan tâm đầu tư các nguồn lực cho phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống qua các hoạt động biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Quân tâm xây dựng và phát huy đội ngũ làm công tác văn hóa nghệ thuật, chú ý công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và hoạt động chuyên ngành trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đưa văn hóa về cơ sở. Đẩy mạnh các giải pháp để xây dựng con người Bình Thuận phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng đánh giá, bình xét đúng thực chất. Đặc biệt là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 33 – NQ/TW, Chương trình hành động số 29 – NQ/TU và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương…

Thanh Quang


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số