Trở ngại trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

22/09/2021, 10:06

BT-  Nhiều kế hoạch đề ra, nhưng không thể triển khai do dịch Covid-19 hạn chế tập trung đông người. Dù vậy các cấp, ngành nỗ lực giải quyết và tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, để người dân nắm bắt nhất là công tác tư pháp – hộ tịch.

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân (ảnh tư liệu).

 Dừng việc chưa cần thiết

Từ đầu năm đến nay, các huyện, thị, thành phố kể cả xã, phường tập trung tối đa vào phòng chống dịch, nên nhiều công tác khác đều triển khai cầm chừng hoặc tạm dừng. Đối với những công việc mang tính tập trung đông người, trong đó  có lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, bộ phận một cửa chủ yếu tiếp nhận hồ sơ, đơn thư từ bưu điện chuyển đến. Có nghĩa là người dân giao dịch tại bưu điện, sau đó bưu điện chuyển hồ sơ, đơn thư có liên quan đến UBND xã, phường giải quyết. Kết quả giải quyết xong cán bộ xã, phường chuyển trở lại bưu điện trả cho người dân. Bình thường người dân có thể đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa của UBND xã, phường, nhưng dịch bệnh phải thông qua bưu điện tốn phí, bất tiện về thời gian.

Đó là với công tác hộ tịch, còn công tác tư pháp liên quan phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thì hầu như giậm chân tại chỗ. Ông Trần Văn Mười - cán bộ tư pháp xã Thuận Minh cho biết: “Hiện nay ngoài công tác hộ tịch hoạt động cầm chừng đáp ứng nhu cầu của người dân không bị gián đoạn thì công tác PBGDPL không thể triển khai, chủ yếu tuyên truyền qua loa phát thanh. Những vấn đề cấp bách, chúng tôi bố trí người đến giải quyết nhưng phải thực hiện trên tinh thần 5K của Bộ Y tế”.

Nội dung tuyên truyền trên loa chủ yếu vào nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009... chính sách, pháp luật mới của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Với những nơi không giãn cách xã hội thì còn triển khai được, nhưng với nơi thực hiện Chỉ thị 16 thì không thể. Cán bộ tư pháp một phường ở TP.Phan Thiết chia sẻ:  Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì không thể triển khai các nội dung khác. Mọi việc chưa cần thiết phải dừng lại, tập trung cao điểm phòng chống dịch, nên rất khó để tuyên truyền PBGDPL trực tiếp cho người dân.

 Cần thích ứng

Trong bối cảnh hiện nay chưa biết khi nào dịch bệnh dừng, cho nên rất cần ý thức chấp hành phòng chống dịch ở mỗi cá nhân. PBGDPL đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức người dân về phòng chống dịch Covid-19. Thời gian qua công tác này chỉ dừng ở việc cảnh báo người dân ý thức phòng ngừa và phản ánh sự việc trên phương tiện truyền thông. Nhiều người chưa có ý thức về phòng chống dịch còn chống đối lại cả lực lượng chức năng làm công tác phòng chống dịch tại các chốt kiểm soát. Ông Nguyễn Thế Lục ở phường Phú Thủy cho biết khi xem cảnh quay trên truyền hình về các vụ chống đối rất bức xúc, vì ý thức của một bộ phận người dân còn quá kém.

Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, đã đến lúc cần thích ứng với mô hình sống chung với dịch. Theo đó, hành vi vi phạm pháp luật gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, phải được xử lý nghiêm khắc để răn đe. Ông Nguyễn Đình Kiên – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: Tới đây chúng tôi tiếp tục công tác tuyên truyền PBGDPL cho người dân, nhất là về phòng chống Covid-19. Ngoài phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng lưới loa truyền thanh cơ sở. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số trong PBGDPL để cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện. Cùng với đó là rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ trong kế hoạch công tác phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tiễn.

 Ninh Chinh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở ngại trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật