Giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện dịch Covid-19

10/09/2021, 07:51

BT- “Chủ động giảm lượng giống - phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện dịch Covid -19”. Ðó là chủ đề diễn đàn trực tuyến vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức trực tuyến với các tỉnh phía Nam, trong đó có Bình Thuận vừa qua.

Kết nối

Diễn đàn với mục đích tuyên truyền rộng rãi và nhanh chóng các giải pháp cần thực hiện ngay để ứng phó với tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Đồng thời chủ động giảm giá thành sản xuất lúa, tăng sức cạnh tranh ngành hàng lúa gạo trong tình hình hiện nay. Đây cũng là một trong những chiến lược nhằm ổn định an ninh lương thực trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước. Diễn đàn được kết nối trực tuyến với nhiều tỉnh, thành, thu hút sự quan tâm và tham gia ngành nông nghiệp và nông dân. Riêng tại Bình Thuận, có 8 điểm kết nối tham gia trên nền tảng zoom trực tuyến, gồm Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một số đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện trồng lúa chủ lực cùng 2 HTX dịch vụ nông nghiệp.

Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay là giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao khiến giá đầu vào sản xuất đội lên rất nhiều, gây khó khăn cho người dân khi bước vào mùa vụ. Trong khi đó, vụ lúa hè thu hiện nay có giá bán lúa tươi khoảng 5.400 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ. Trong khi vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... tăng cao sẽ kéo theo đời sống hàng chục triệu hộ nông dân trong vùng bị ảnh hưởng lớn.

Mô hình lúa SRI tại Bình Thuận

Còn theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Để giảm chi phí giá thành sản xuất, đầu tiên phải giảm giống vì nó sẽ kéo theo giảm các chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kéo giảm giá thành sản xuất không chỉ có ý nghĩa cho người nông dân mà còn giúp doanh nghiệp có sản phẩm với giá cạnh tranh hơn khi xuất khẩu…

Bình Thuận sản xuất lúa SRI

Về phía Bình Thuận, toàn tỉnh có trên 50.000 ha đất canh tác lúa, với diện tích gieo trồng trên 110.000 ha/năm. Tuy nhiên, tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước tưới.Trước thực trạng trên, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng hạt gạo là nhiệm vụ cấp bách.

Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã triển khai nhiều mô hình canh tác lúa theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), thực nghiệm về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ trong sản xuất lúa trên địa bàn 2 huyện Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc. Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện canh tác cộng đồng với lượng gieo sạ thưa, quy mô 50 ha tại HTX Nông nghiệp Long Hương và Long Điền 1 (huyện Tuy Phong). Theo ông Tám, sản xuất lúa áp dụng SRI được xem là đích đến của một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường nông nghiệp như tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống và lượng đạm dư thừa...

Về phía nông dân, ông Trần Văn Hiệp - Giám đốc HTX DVNN hữu cơ Hiệp Phát (Hàm Thuận Bắc) là một trong những người tham dự diễn đàn trực tuyến chia sẻ: HTX hiện có khoảng 100 ha lúa, trong đó 35 ha thực hiện theo mô hình SRI, giúp giảm nguồn nước tưới, giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, ông Hiệp nói riêng và hầu hết các đại biểu tham dự diễn đàn mong muốn trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, tiết kiệm phân bón và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài ra, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác tiên tiến như  “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Gắn với liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất lúa. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm phối hợp các bộ, ngành Trung ương có giải pháp ổn định giá phân bón trên thị trường và tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng lúa giống... Đây là một trong những mấu chốt giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện dịch Covid-19, vốn rất nhiều khó khăn…             

     Kiều Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện dịch Covid-19