Núi Ông trong mắt nhà thực vật học Mỹ

07/11/2014, 13:29

BT- Andrew Henderson là nhà thực vật học khá nổi tiếng của Vườn thực vật Newyork (Mỹ). Ông từng sống  một thời gian dài  trong những cánh rừng già của đất nước Myanma, Lào… để nghiên cứu về  song mây các loại…

Năm 2009, ông lại có mặt trong đoàn  nghiên cứu của liên viện:  Khoa học - Công nghệ Việt Nam và Sinh học nhiệt đới để nghiên cứu song mây Khu bảo tồn núi Ông (Tánh Linh), một nhánh của Trường Sơn Nam.

Tiến sĩ Andrew Henderson (Vườn thực vật New York) cùng cộng sự đến nghiên cứu cây song mây ở núi Ông vào năm 2009. Ảnh: Nguyễn Vui.

Những nhận xét về khu bảo tồn

Chuyến  nghiên cứu này gây cho Andrew ấn tượng khá tốt, để sau đó ông viết trên blog của mình những ghi nhận về hệ động thực vật, cảnh quan của khu bảo tồn có diện tích 25.327ha, trong đó riêng rừng đặc dụng chiếm đến 24.017ha. Ông mô tả khu bảo tồn có nhiều dãy núi cao trên 1.000m, trong đó ngọn cao nhất là  1.302m, đặc biệt sườn phía Tây rất dốc, hết dốc là  đồng bằng của sông La Ngà uốn lượng theo chân núi. Vì nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên toàn khu bảo tồn có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình năm 25,40C.

Núi Ông có rất nhiều con suối nhỏ, nước róc rách quanh năm, là khởi nguồn của các  sông  Phan, sông Kapét, sông Các… sau khi chảy về hướng Nam và Đông - Nam, cũng như hợp lưu với nhiều con suối khác trên đường chảy. Đây là yếu tố  để khí hậu núi Ông thường xuyên ẩm ướt ngay trong mùa khô, nhờ đó thực vật rừng sinh trưởng và phát triển tốt. Đây cũng là lý do để rừng ở đây có độ che phủ hơn 91% diện tích, trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3 gỗ. Bằng một cách nào đó,  Andrew Henderson  gặp được vài người làm rừng, những người sống tại xã Sùng Nhơn, từng tìm trầm trong núi Ông để nghe họ kể lại: Trong những năm chiến tranh, núi Ông là căn cứ của cách mạng. Ban đêm bộ đội vẫn đốt lửa sinh hoạt, hội họp,  chẳng tí lo máy bay Mỹ rè rè trên đầu vì rừng núi Ông khá dày và rậm, ngoài 10m đã khó lòng thấy lửa cháy. Chính vì vậy, Andrew Henderson không tỏ ra nghi ngờ trước con số: Núi Ông có 1.070 loài thực vật, 135 loài gỗ lớn, 207 loài cây gỗ nhỏ… Trong số thực vật có 35 loài thuộc nguồn gien quý hiếm như: cẩm lai, gõ đỏ, chụt chạt, giáng hương…  Lim là loài cây gỗ lớn thuộc họ Vang  phân bố tự nhiên ở núi Ông mà các tỉnh phía Nam không có. Đặc điểm nổi bật quan trọng là hệ thực vật núi Ông mang các yếu tố Đông Dương và Malaysia, thuộc vùng hệ thực vật Ấn Độ -Mã Lai. Núi Ông còn hiện diện một số loài trong các họ thực vật á nhiệt đới và nhiệt đới cổ xưa.

Kho tài nguyên quý giá

Từ những yếu tố trên cho thấy núi Ông là kho tàng tài nguyên quý giá của Việt Nam, không những có giá trị về  bảo vệ môi trường mà còn có giá trị về nghiên cứu khoa học, về tính đa dạng sinh học. Ngoài ra, khi lùng sục nhiều ngày ở hướng Đông Bắc của Khu bảo tồn núi Ông, Andrew Henderson trông thấy kim giao, một loài cây gỗ màu trắng ngà, khi khô vừa dai vừa cứng mà theo ông biết, các vua chúa Việt Nam thường dùng làm đũa khử độc. Đũa kim giao khi gặp thuốc độc trong thức ăn thì biến sang  thâm đen... vì vậy trở nên quý. Ngày xưa chỉ có vua chúa, hàng quan to mới dùng đũa kim giao và kim giao trở thành cây đi vào sách sử, cũng như có một vị thế trong  hàng ngũ các loại cây. Kim giao còn được con người ta coi là quý hiếm, tìm kiếm vì bởi nó chỉ mọc ở những ngọn núi, rừng thường xanh.

Về mùa xuân, theo ghi chép của nhà thực vật học, trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 20.885ha, chỉ những người giữ rừng mới được đặt chân vào, còn đi đâu trong 3.132ha của phân khu bảo tồn sinh thái, người ta cũng gặp hoa rừng nở và  những đàn bướm lượn quanh những dòng suối liên tục róc rách. Điều này làm Andrew Henderson nghĩ đến chuyện tổ chức một khu du lịch mang tính khám phá ngay trong rừng. Những người tham gia tour du lịch khám phá sẽ học hỏi rất nhiều điều từ thiên nhiên, nhưng cao hơn cả là tình yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên mà không một bài học nào ở trường dạy được…

Có thể nói khi đọc xong những ghi chép của nhà thực vật học chuyên về họ Cọ, người mà trong ngày 19/2 năm nay, báo Nhân Dân giới thiệu là đồng tác  giả cuốn sách “Hệ thống, sinh thái và quản lý mây tại Campuchia, Lào và Việt Nam - căn cứ sinh học để sử dụng bền vững”, tôi càng quyết tâm đến núi Ông một lần và nếu được thì đến thác Bà nơi nhà thực vật học nhắc đến khi đề cập đến tour du lịch khám phá.

Thác Bà   

… Một ngày cuối tháng 10 năm nay, chúng tôi thực hiện chuyến đi. Từ thị trấn  Lạc Tánh, huyện Tánh Linh vào thác Bà không bao xa. Thác Bà từ lâu nay được huyện  Tánh Linh xác định là nơi có thế mạnh du lịch, thế nhưng bây giờ đang là mùa thu và không bao lâu nữa mùa xuân sẽ về, song ghi nhận của chúng tôi, những bước khởi động cho du lịch ở thác Bà chưa có gì đáng kể. Chị Nguyễn Thị Thoa, nhà ở thôn Lạc Hà, nhưng có rẫy thanh long trên đường vào thác Bà nói: “Chỉ đến tết mới có nhiều người vô thác anh ơi. Những tháng hè cũng có học sinh ra vô nhưng chưa nhiều”.  Đang lúc  lưỡng lự  đi ở, bất ngờ  gặp một đoàn  mô tô từ đường chính chạy vào. Long, một thanh niên to cao - như anh tự giới thiệu - đi chiếc  mô tô cao phân phối, nói: “Chúng tôi từ trên Bảo Lâm theo đường Đa Mi về đây, sau đó ra quốc lộ 1 ở ngã ba Tân Minh, rồi về  TP. Hồ Chí Minh”. Sau khi tự  nhận mình đang đi khảo sát một tour du lịch khám phá, Long nói: “Tánh Linh có  một số sự kiện và cảnh quan để  mở  du lịch khám phá. Chúng tôi nghiên cứu bản đồ thì thấy có thể mở tour du lịch khám phá núi Ông mang tên “Theo đường Nguyễn Thông đi”  vào những tháng không mưa. Điểm dừng của tour có thể gần  thác Bà, hoặc ở trong rừng. Ở đó những người tham gia tour sẽ ngủ đêm trong các  căn nhà lợp  lá buông, một loại lá vốn gần như đặc hữu ở rừng Bình Thuận. Họ sẽ tắm suối, tắm thác và dùng cơm  với thực phẩm và rau rừng, được nghe   giới thiệu về khu bảo tồn. Mô hình này không có gì xa lạ cũng như đang được khai thác hiệu quả ở chiến khu D, thuộc huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai”.

Long còn kể cho tôi nghe, trước khi đến đây anh dừng lại cánh đồng Lạc Tánh, đoạn Huy Khiêm để thử mường tượng sau khi được vua Tự Đức chuẩn  y sớ, cho phép khai thác vùng Sơn Quốc (Tánh Linh, Đức Linh ngày nay), đoàn thám hiểm của Dinh điền sứ Nguyễn Thông đã đến Lạc Tánh và đặt bàn chân lên cánh đồng Huy Khiêm như thế nào? Trong câu chuyện, người thanh niên này còn nhắc đến việc mới đưa một đoàn thuộc “Hội những người chơi xe hơi TP. Hồ Chí Minh”, khám phá núi Chúa (Ninh Thuận), trong vòng 2 ngày. Tương lai nếu có tour khám phá Tánh Linh, hy vọng sẽ có nhiều người tham gia”.  

Tôi yên lặng nghe, đồng thời  nghĩ đến Andrew Henderson, nhà thực vật học này quả là có con mắt tinh đời của người làm kinh tế, thấy được dòng chảy của đồng tiền, của cơ hội đầu tư ngay khi đang ở trong rừng xanh u tịch… 

 Hà Thanh Tú


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Núi Ông trong mắt nhà thực vật học Mỹ