Phòng chống thiên tai những tháng cuối năm: Vượt thách thức trong điều kiện có dịch

01/07/2021, 09:34

BT- Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai.

Sạt lở đất tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình.

Khó lường

Nhìn lại trong năm qua, Bình Thuận tiếp tục chịu ảnh hưởng một số loại hình thiên tai cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng dị thường và trái quy luật như sóng to, gió mạnh làm nhiều tàu, thuyền vận tải bị sự cố, chìm. Đồng thời, kết hợp với triều cường gây sạt lở kè bảo vệ bờ biển, uy hiếp các khu dân cư, khu du lịch ven biển. Mưa lớn, lốc xoáy, dông sét xảy ra khắp địa bàn tỉnh, đặc biệt là hạn hán, thiếu nước đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra hơn 40 vụ tai nạn, sự cố/35 người bị nạn trên biển. Riêng huyện Tánh Linh, trong 6 tháng đầu năm xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, dông sét đã gây thiệt hại về người và tài sản của một số hộ dân trên địa bàn huyện. Đơn cử, trong ngày 5/5, mưa kèm dông sét xảy ra cục bộ khu vực Đồn Mỹ, khu phố Tân Thành - thị trấn Lạc Tánh, khiến 3 người trong 1 gia đình thương vong. Ngày 2/6, mưa kèm theo lốc xoáy tại xã Huy Khiêm, La Ngâu, Đức Phú làm tốc mái 28 căn nhà của dân, 40m tường rào của UBND xã Huy Khiêm bị sập đổ hoàn toàn…

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh, trong thời gian qua, công tác PCTT& TKCN luôn được các cấp chỉ đạo kịp thời, nhân dân đã chủ động, tự giác, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó, đã góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, từ đầu năm 2021 đến nay việc khắc phục sạt lở cát tràn, sạt lở bờ biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm tràn dầu… vẫn chưa chủ động, còn tâm lý ỷ lại, chờ đợi sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Hơn nữa, lâu nay công tác quản lý hoạt động tàu cá tại địa bàn chưa chặt chẽ, nhất là tại khu vực bãi ngang. Việc tuyên truyền các chủ tàu thuyền tự giác chấp hành các quy định về quản lý tàu cá, các phương tiện thủy nội địa chưa thường xuyên, liên tục.

 Kiên quyết không chủ quan

Theo dự báo, tình hình thời tiết những tháng còn lại năm 2021 tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Thuận khoảng 4 - 6 cơn bão, kết hợp với gió mùa đông bắc và không khí lạnh, các hình thái thời tiết bất thường đan xen. Do đó, tại cuộc họp gần đây về công tác PCTT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết tâm cao nhất, kiên quyết không chủ quan, lơ là.

Đặc biệt, tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung ngay các phương án, kế hoạch nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2021 gắn với phương châm “4 tại chỗ”. Nhất là tình huống cực đoan, bất lợi nhất như vừa bão lụt vừa dịch Covid-19 đang xảy ra. Hay tình huống hạn hán với cấp độ rủi ro cao nhất, từng nội dung phải thật cụ thể, sát với thực tế và đặc điểm của từng địa phương, từng khu vực, từng vùng nhằm phòng ngừa, ứng phó nhanh, có hiệu quả. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Về phía các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đề nghị cần kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở cát tràn, sạt lở bờ biển… Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự cố trong trường hợp có dịch Covid-19.

K.Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống thiên tai những tháng cuối năm: Vượt thách thức trong điều kiện có dịch