Suối Đá… kêu cứu!

16/06/2021, 09:33

BT- Dễ chừng đã lâu, tôi mới có dịp trở lại thôn Suối Bang, khu vực vùng sâu, xa của xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân. Con đường dài 7 km từ ngoài quốc lộ 55 dẫn vào thôn đoạn đầu nâng cấp láng nhựa, đoạn sau cấp phối đất đỏ đi lại dễ dàng hơn trước, nhiều nhà dân xây dựng khang trang nơi vùng đất đỏ bazan này… Tuy chỉ có dòng suối Đá chảy qua trung tâm thôn Suối Bang cũng đã thay đổi… từ màu nước trong xanh, cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về nay đục ngầu, vàng nhợ, tù đọng, phảng phất mùi tanh tưởi…

Ông Vũ Công Hoan chỉ tay vào dòng nước suối Đá vàng nhợ, tanh tưởi.

Cứ đầu mùa mưa, nước suối lại chuyển màu

Hôm ấy, ông Vũ Công Hoan đã ngoài 60 tuổi cùng vài người dân trong thôn dẫn tôi lên trang trại rộng rãi của ông nằm ven thượng nguồn suối Đá (nơi gần trang trại chăn nuôi heo Sunjin Vina Mekong) có mật độ ô nhiễm nặng hơn, chỉ cách con đường đất đỏ bên ngoài dẫn vào hơn 1 km. Chúng tôi đi qua những vườn bưởi, vườn nhãn xanh tươi được người chủ đầu tư bài bản, đã bắt gặp một đoạn suối Đá chặn dòng như đập thủy lợi để lấy nước tưới, nhưng màu nước đã chuyển sang vàng nhợ, rong rêu bám đầy trên mặt! Ông Hoan nói như giải thích: “Tôi cũng như vài người làm đập có hệ thống chảy xuống hạ lưu, nhằm tích ít nước mùa mưa tưới vườn cây ăn trái, nhưng nước đầu mùa mưa ô nhiễm như vậy, không sử dụng gì được, chỉ để thoát chảy về phía dưới”. Tôi thắc mắc: “Đầu mùa mưa này, nước suối Đá ô nhiễm nặng lần nào chưa?”. Ông Hoan không đắn đo cho hay: “Cách đây chừng 2 tuần, khoảng giữa tháng 5/2021, dòng thượng nguồn suối Đá bất ngờ chuyển sang màu đen, hôi thối ngang qua trang trại của tôi và vườn nhiều người khác khu vực thôn Suối Bang. Cá ở đoạn suối này cũng nổi đen đầu. Trong khu vực này, phía trên chỉ có trang trại chăn nuôi Sunjin Vina Mekong nằm dọc theo suối Đá cách vườn cây của tôi chừng 1 km theo đường chim bay. Có thể họ tận dụng trời mưa xả chất thải ra suối để nước cuốn trôi, nhưng vài ngày khi ấy trời không mưa, nên dòng suối nhuốm màu. Đã 2 tuần trôi qua rồi mà nước suối còn máng vàng vậy đó; chỉ trông chờ mưa lớn để dòng suối trong trở lại, tích dành nước tưới khi khô hạn. Khổ nỗi năm nay khu vực ở Suối Bang lại ít mưa!”. Chợt, ông Hoan nhớ lại rồi nói thêm: “Hiện tượng này hầu như đã xảy ra mấy năm gần đây. Cứ đầu mùa mưa, nước suối Đá chuyển màu, hôi thối; nhiều người trồng vườn ven suối chẳng thể tưới tiêu gì được trong những lúc như thế!”… “Vậy ông phải đầu tư để có thêm nguồn nước tưới trang trại cây ăn trái rộng lớn chứ?”, tôi hỏi như thắc mắc. “Có chứ. Tôi làm đập giữ nước nhưng nước suối Đá thi thoảng ô nhiễm nên không tận dụng được mấy. Tôi cũng như những nhà vườn ở đây phải đầu tư đào giếng khoan lấy nước tưới cây vào mùa khô. Tôi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua đất xây dựng trang trại rộng 14 ha, đào gần 10 giếng khoan lấy nước tưới vườn cây ăn trái, chứ nguồn nước suối Đá đang ngày càng vơi cạn, lại ô nhiễm nữa!”, ông Hoan thở dài…

  Không chỉ ông Hoan mà gần 20 hộ ở tổ 6, thôn Suối Bang có vườn cây ăn trái nằm dọc theo suối Đá cũng “than trời” bởi nguồn nước chuyển màu đầu mùa mưa, không thể tưới cây, nguy cơ ô nhiễm đất ven bờ. Còn hơn 50 hộ trong thôn này sinh sống 2 bên suối cũng bị ảnh hưởng từ nguồn nước đã ô nhiễm lâu nay, bà con lo lắng cho sức khỏe người già, trẻ em. Buổi trưa hôm ấy, tôi đứng trên cầu suối Đá bắc qua trung tâm thôn, nhìn dòng suối nhỏ hẹp, cạn nước, vài nơi nước tụ đọng đục ngầu, rong rêu phủ đầy tanh tưởi, thấy cảm thông với người dân thôn Suối Bang sinh sống nơi đây…

Khi đang viết bài phóng sự này, anh Hoàng Trọng Tùng, nhà cạnh chân cầu ven suối Đá điện cho tôi thông tin thêm: “Khu vực Suối Bang gần giữa tháng 6 này có vài cơn mưa lớn, nước suối Đá lên cao thu hút hàng đàn cá rô phi, cá sặc từ sông Chùa phía dưới ngược dòng lên sinh sản; nhưng gặp phải nước đục ngầu, hôi hám từ thượng nguồn đổ về khiến cá chết hàng loạt, nổi trắng cả đoạn suối qua trung tâm thôn! Hiện tượng này cũng đã xảy ra vài năm nay rồi! Bà con thôn Suối Bang đang kiến nghị UBND xã Thắng Hải, ngành chức năng giám sát trang trại chăn nuôi heo Sunjin Vina Mekong, cũng như trang trại nuôi vịt rộng gần 10 ha đang hình thành phía thượng nguồn, xem có thải phân heo, hoặc chất sát khuẩn chuồng trại vịt chảy theo nước mưa mấy ngày nay từ thượng nguồn suối Đá xuống hạ lưu hay không?!”…

Cá chết hàng loạt gần chân cầu suối Đá vào trung tuần tháng 6.

 Sớm bảo vệ môi trường Suối Bang

Trong khi đó, ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Hải cho biết: “Qua kiến nghị của người dân thôn Suối Bang, trung tuần tháng 6 này, UBND xã sẽ vào giám sát trang trại chăn nuôi heo Sunjin Vina Mekong, mức độ ô nhiễm dòng suối Đá chảy qua thôn này để báo cáo UBND huyện Hàm Tân kiểm tra, giám sát môi trường, có giải pháp xử lý phù hợp, bảo vệ nguồn nước suối Đá trong khu vực vùng sâu, xa này”. Ông Sơn cũng nhìn nhận, dòng suối Đá đã bị ô nhiễm môi trường mấy năm nay, bởi tác động gián tiếp từ trang trại chăn nuôi phía thượng nguồn. “Các khu vực hồ chứa nước thải của trang trại Sunjin Vina Mekong đã đầu tư hoàn chỉnh, có thể gặp vài cơn mưa lớn đầu mùa, nước hồ chứa ngập tràn chảy ra suối Đá gây ô nhiễm dòng suối!”, ông Phan Thanh Sơn nhận định.

Chỉ mới năm ngoái, trong một đợt kiểm tra, Sở Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh xử phạt 700 triệu đồng trang trại chăn nuôi heo Sunjin Vina Mekong do thiếu giải pháp đồng bộ bảo vệ môi trường khi hoạt động chăn nuôi heo số lượng lớn. Còn trước đó (năm 2018, 2019), Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đã kiểm tra xử phạt Sunjin Vina Mekong với lý do như trên. Một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường (Công an tỉnh) cho hay: “Mấy năm trước, chúng tôi kiểm tra trại số 1 và 2 Sunjin Vina Mekong phát hiện hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi không hoàn chỉnh, tham mưu tỉnh xử phạt 270 triệu đồng”.

Hiện tại, trang trại Sunjin Vina Mekong diện tích rộng lớn hơn 90 ha (chủ đầu tư người Hàn Quốc sang nhượng lại từ trại Nông lâm Minh Truyền cũ trước đây) đã được đầu tư hơn 15 tỷ đồng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải cho 3 phân trại heo “khổng lồ”. Trong đó 2 trại lớn nuôi 2.400 con heo nái/trại, tổng cộng 4.800 con nái. Với chu trình khép kín, toàn bộ heo con đẻ ra được đưa qua trại heo hậu bị nuôi số lượng khoảng 5.000 con trong 30 ngày, trang trại Sunjin Vina Mekong xuất cho các trại chăn nuôi gia công khác… Trong quá trình chăn nuôi cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo môi trường khu vực.

Với thực trạng suối Đá ô nhiễm đầu mùa mưa đến nay, cá chết hàng loạt mấy ngày qua, các cơ quan chức năng như Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường), Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hàm Tân phối hợp kiểm tra, phân tích mẫu nước suối, cá chết do đâu? Ngành chức năng tìm nguyên nhân cụ thể để xử lý dứt điểm, trả lại môi trường tự nhiên cho suối Đá… Không lẽ cứ mỗi đầu mùa mưa hàng năm, người dân thôn Suối Bang lại thấp thỏm lo âu nước suối Đá chuyển màu (như mấy năm nay rồi), mà chưa giải quyết căn cơ được!?

Thái Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Tuân thủ an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh
Ngày nay, các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đang được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp khai khoáng, năng lượng, y tế. Lĩnh vực an toàn bức xạ (ATBX) được Sở KH & CN phối hợp sở, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đảm bảo ATBX, an ninh nguồn phóng xạ, chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suối Đá… kêu cứu!