Lực lượng quản lý thị trường: Tăng cường kiểm tra hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng

02/10/2019, 09:24

BT- Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường Bình Thuận (QLTT), tính đến ngày 24/9/2019, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 1.567 vụ, phát hiện và xử lý 455 vụ vi phạm, bao gồm 461 hành vi vi phạm, cụ thể: hàng cấm: 51 hành vi, hàng lậu: 12; vi phạm trong lĩnh vực giá: 72, vi phạm trong kinh doanh: 77, an toàn thực phẩm: 49, vi phạm khác: 200 hành vi. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước là 2,313 tỷ đồng, tịch thu 3.138 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, 400 m3 cát xây dựng, 978 sản phẩm đồ chơi trẻ em bạo lực, 10.121 lít xăng, dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ và một số hàng hóa nhập lậu khác.

                
      Kiểm tra các cơ sở kinh doanh.

Trong 9 tháng qua, lực lượng QLTT đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Kịp thời chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019”, dịp Tết Trung năm 2019. Cử 14 kiểm soát viên tham gia chốt trực tại 9 chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh, kiểm tra 17.519 lượt xe ô tô vận chuyển động vật, góp phần kìm hãm tình hình bệnh dịch trên địa bàn.

Qua kiểm tra, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, không niêm yết hàng hóa và vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vẫn còn xảy ra tại một số cơ sở.

Bên cạnh đó, các đội QLTT cũng kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại cũng như trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thực hiện; qua đó góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường. Công tác phối hợp với các cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, thị xã và thành phố trong kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được lực lượng QLTT thực hiện tốt, các vấn đề phát sinh trên địa bàn được xử lý kịp thời.

Lực lượng QLTT đang tăng cường kế hoạch giám sát, kiểm tra thị trường dịp cuối năm - thời điểm hàng giả, hàng kém chất lượng có nhiều cơ hội trà trộn vào hàng đạt chuẩn tung ra thị trường, nhất là khi mà kênh bán hàng từ các mạng xã hội bùng nổ, hàng được giao tới tận người tiêu dùng.

Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khâu lưu thông và trên địa bàn tỉnh. Kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Chú trọng kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước có dấu hiệu vi phạm: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá, rượu, thực phẩm, thực phẩm chức năng...

    
    Lực lượng quản lý thị trường đã góp phần không nhỏ trong việc phòng   chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua   đó góp phần xây dựng thị trường ổn định, lành mạnh, bảo vệ người tiêu   dùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

N.Q


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lực lượng quản lý thị trường: Tăng cường kiểm tra hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng