![cb2f7fdb4eb8f0e6a9a9.jpg](https://bbt.1cdn.vn/2025/02/13/cb2f7fdb4eb8f0e6a9a9.jpg)
Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), liên quan đến một số ý kiến đề nghị tính toán lại việc duy trì Hội đồng nhân dân cấp xã, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng trước mắt vẫn nên giữ nguyên như hiện nay. Theo đại biểu, vấn đề này liên quan trực tiếp đến Hiến pháp, nếu muốn thay đổi, cần sửa đổi vì Hiến pháp đã có quy định rất rõ ràng. Do đó, đây là nội dung cần nghiên cứu lâu dài, thay vì điều chỉnh ngay trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu đề nghị cần tập trung vào các nội dung đã được đề cập trong dự thảo, những vấn đề khác sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xem xét sâu kỹ và tính toán sau.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc miễn nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu ở Điều 34 của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với ý kiến phát biểu trước đó cho rằng khi cán bộ chuyển công tác ra khỏi địa bàn đơn vị hành chính hoặc nghỉ hưu, cần được miễn nhiệm đương nhiên mà không cần phải tiến hành quy trình bỏ phiếu miễn nhiệm như hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý, đại biểu nhấn mạnh rằng cần bổ sung quy định để đảm bảo khi Chủ tịch UBND nghỉ hưu hoặc điều động công tác khác, cấp có thẩm quyền phải đồng thời phân công nhân sự đảm nhiệm quyền điều hành, tránh tạo ra khoảng trống trong quản lý hành chính.
Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 34 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) một khoản quy định đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu, đặc biệt là chức danh Chủ tịch UBND, khi cán bộ đảm nhiệm vị trí này nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi đơn vị hành chính thì đương nhiên thôi giữ chức vụ mà không cần phải qua thủ tục miễn nhiệm tại Hội đồng nhân dân.
![18c50bff3a9c84c2dd8d.jpg](https://bbt.1cdn.vn/2025/02/13/18c50bff3a9c84c2dd8d.jpg)
Góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ và Quốc hội trong việc ban hành nghị quyết nhằm đảm bảo quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy diễn ra thuận lợi, không làm gián đoạn công tác điều hành. Theo đại biểu, nếu không có quy định chuyển tiếp cụ thể, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ gặp nhiều gián đoạn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thủ tục hành chính, ký kết hợp đồng, hoạt động tố tụng cấp huyện, hay xử lý các vụ án đang trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ hơn nội dung chuyển tiếp tại Khoản 1, Điều 13 quy định: “Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản giải quyết hoặc uỷ quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền Quốc hội. Định kỳ hàng quý báo cáo cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Qua nghiên cứu cho thấy nội dung này quy định chưa rõ các vấn đề phát sinh là những vấn đề đã nêu trong dự thảo nghị quyết, hay là những vấn đề mới phát sinh mà chưa có trong nghị quyết? Chính vì vậy, đại biểu đề nghị nên bổ sung cụm từ “không nêu trong nghị quyết này” vào sau đoạn “các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước...”. Để rõ ý và dễ hiểu hơn, Khoản 1, Điều 13 sẽ viết lại như sau: “Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không nêu trong nghị quyết này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần giao thẩm quyền xử lý phù hợp. Nếu vấn đề gì cũng phải báo cáo lên Chính phủ thì không xuể, vì số lượng công việc rất nhiều. Cần giao Chính phủ có hướng dẫn rõ ràng: Vấn đề nào thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh thì giao UBND tỉnh giải quyết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ xử lý.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ nhấn mạnh rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng ách tắc do quy trình phức tạp. Việc bổ sung quy định phân cấp rõ ràng sẽ giúp đảm bảo công việc được vận hành thông suốt, không gây gián đoạn hoạt động của các cơ quan hành chính. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa một số nội dung để hoàn thiện hơn nghị quyết, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.