NATO loay hoay tìm phương hướng khi Mỹ điều chỉnh lập trường về Nga và Ukraine

13/02/2025, 15:32

Chỉ sau một đêm, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rung chuyển NATO với lập trường mới về Ukraine, khiến các thành viên hoang mang.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thừa nhận việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là không thực tế và chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không coi việc Ukraine gia nhập NATO là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột với Nga.

screenshot_1739435607.png

Nhóm liên lạc về các vấn đề quốc phòng của Ukraine và các bộ trưởng Quốc phòng NATO họp tại thủ đô Brussels, Bỉ ngày 12/2/2025. Nguồn: Defense

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng yêu cầu các đồng minh NATO phải hành động và đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh châu Âu, đồng thời khẳng định nước này sẽ không triển khai quân tới Ukraine.

“Một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine phải bao gồm các đảm bảo an ninh vững chắc để đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không bắt đầu lại. Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán. Thay vào đó, bất kỳ đảm bảo an ninh nào cũng nên được hỗ trợ bởi lực lượng quân đội châu Âu và ngoài châu Âu có năng lực. Nếu những đội quân này được triển khai với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine tại bất kỳ thời điểm nào, họ phải được triển khai như một phần của nhiệm vụ không phải của NATO và họ không được bảo vệ theo Điều 5”, oong Hegseth nhấn mạnh.

Đây được đánh giá là tuyên bố công khai rõ ràng và thẳng thắn nhất cho đến nay về cách tiếp cận của chính quyền mới tại Mỹ đối với cuộc xung đột đã kéo dài gần ba năm tại Ukraine. Trước đó, các tuyên bố của ông Donald Trump yêu cầu NATO tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu và sớm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine đã thu hút sự chú ý của các đồng minh về sự thay đổi chính sách của nước này.

Cũng tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cùng ngày cho rằng, năm 2025 là một năm quan trọng đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Trước đó, ông Boris Pistorius đã có cuộc gặp kéo dài 45 phút với người đồng cấp Mỹ. Cuộc gặp được mô tả là “rất thân thiện và cởi mở".

“Cuộc họp của Nhóm tiếp xúc Ukraine diễn ra trong điều kiện mới sau khi chính quyền mới tại Mỹ nhậm chức. Mục tiêu rất rõ ràng, chúng tôi vẫn cam kết và đang bám sát mục tiêu để Ukraine có thể hành động từ vị thế mạnh mẽ. Là đối tác của NATO, chúng tôi muốn làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng sự hỗ trợ cho Ukraine sẽ tiếp tục, vì lợi ích chung của chúng tôi ở cả phương diện xuyên Đại Tây Dương và quốc tế”, ông Pistorius nói.

Khi được một phóng viên hỏi về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các thành viên NATO chi 5% GDP cho quốc phòng, ông Pistorius cho biết con số đó không nằm trong phạm vi thảo luận, đồng thời nói thêm rằng bản thân người Mỹ vẫn còn cách rất xa mục tiêu này.

Phát biểu của ông Pistorius được đưa ra 11 ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại Đức. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Viện Forsa cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Pistorius đứng thứ ba với 16%, sau đảng CDU bảo thủ với 29% và đảng cực hữu đối lập Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với 20%. Trong khi đó, theo tờ Bild, ông Pistorius đứng đầu danh sách các chính trị gia được yêu thích nhất nước Đức trong hai năm qua. Cuộc bầu cử sắp tới được dư luận đặc biệt quan tâm khi sẽ ảnh hưởng tới các chính sách đối nội và đối ngoại của Đức trong thời gian tới, bao gồm lập trường đối với cuộc xung đột tại Ukraine.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Các cường quốc châu Âu muốn tham gia đàm phán về xung đột Ukraine
Ngày 12/2, các cường quốc châu Âu bao gồm Anh, Pháp và Đức tuyên bố muốn được tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến tương lai của Ukraine.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO loay hoay tìm phương hướng khi Mỹ điều chỉnh lập trường về Nga và Ukraine