Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) nói với Euractiv: “Bất kỳ thỏa thuận nào loại bỏ châu Âu đều sẽ không hiệu quả. Châu Âu sẽ không bị gạt ra ngoài”.
![13225-eu.jpeg](https://bbt.1cdn.vn/2025/02/13/13225-eu.jpeg)
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm vào tối 12/2, trong đó hai bên thống nhất sẽ khởi động ngay các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã trao đổi với ông Trump.
Các nhà ngoại giao châu Âu từ lâu đã bày tỏ lo ngại về kịch bản ông Trump có thể đàm phán song phương với Tổng thống Putin, bỏ qua Ukraine và các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, tuyên bố mới từ Washington dường như đã khiến họ bất ngờ.
Đặc biệt, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth càng làm dấy lên quan ngại. Ông tuyên bố việc Ukraine trở về biên giới trước năm 2014 là “mục tiêu phi thực tế” và loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong các cuộc đàm phán.
Một quan chức EU nhận định quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không gây bất ngờ, nhưng trong đàm phán với Nga, việc để lộ chiến lược quá sớm là điều không khôn ngoan.
Tối 12/2, ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Ba Lan, Anh, đại diện Liên minh châu Âu và Ukraine đã tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Paris, Pháp. Trong tuyên bố chung sau đó, các ngoại trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững, một nền hòa bình đảm bảo lợi ích của Ukraine và của chính chúng tôi".
Các nước châu Âu khẳng định họ mong muốn thảo luận hướng đi tiếp theo với đồng minh Mỹ: "Ukraine và châu Âu phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ukraine cần được đảm bảo an ninh vững chắc. Một nền hòa bình công bằng và bền vững tại Ukraine là điều kiện tiên quyết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương".
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot tuyên bố sẽ không có nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine nếu thiếu sự tham gia của châu Âu.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Tây Ban Nha José Manuel Albares cũng nhấn mạnh không thể đưa ra quyết định nào về Kiev mà không có sự tham gia đàm phán của Ukraine.
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nhấn mạnh: “Không có gì đảm bảo an ninh cho châu Âu tốt hơn sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ”.
Tuyên bố của ông Trump dự kiến sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi hội nghị an ninh quan trọng sắp tới. Ngày 13/2, các Bộ trưởng quốc phòng NATO tiếp tục nhóm họp tại Brussels, sau đó đến Hội nghị An ninh Munich vào ngày 14/2.
Tổng thống Mỹ cho biết Phó Tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio có thể gặp ông Zelensky tại Munich vào 14/2.
Các nhà ngoại giao châu Âu nói với Euractiv rằng họ sẽ tận dụng hội nghị Munich để tìm gặp các quan chức Mỹ và nhấn mạnh lập trường của châu Âu về Ukraine.