Điều mà ai cũng nhận thấy đó là chuỗi hoạt động du lịch sôi động trong dịp tết năm nay là phố ẩm thực đêm Phan Thiết. Cùng với đó là những chú rắn năm Ất Tỵ được cách điệu thành những hình ảnh ngộ nghĩnh tạo thích thú cho người dân và du khách. Tết năm nay, ngoài tham quan, nghỉ dưỡng tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, du khách còn tập trung tham quan các điểm như NovaWorld Phan Thiết, đảo Phú Quý, các khu du lịch cộng đồng tại huyện Tánh Linh, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, Cù Lao Câu… Dịp Tết Ất Tỵ, (từ mùng 1 đến mùng 4 tết) du lịch Bình Thuận ước đón 220.000 lượt khách, tăng 10% so với Tết Nguyên đán năm 2024, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 360 tỷ đồng, công suất phòng đạt từ 75 - 85%, riêng mùng 3 tết, hầu hết các khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết và resort từ 3 sao trở lên tại Hàm Tiến - Mũi Né và Tiến Thành - Hàm Thuận Nam đều kín phòng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, bên cạnh các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ liên tục diễn ra, tại các khu du lịch còn có các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm phong vị tết do các resort, khách sạn, khu du lịch tổ chức, đặc biệt là lễ hội đón giao thừa phục vụ du khách tại các khách sạn, resort. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ, thực hiện phong cách phục vụ du khách. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo và phục vụ du khách khá tốt, chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch được đảm bảo. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Năm 2024, Bình Thuận đã cán đích mục tiêu kỷ lục đón 9,6 triệu lượt du khách. Đây là tiền đề để du lịch Bình Thuận bước vào năm 2025 với những mục tiêu mới, cao hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, năm du lịch của tỉnh phấn đấu đón 10,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 400.000 lượt, tiếp tục thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” tạo nền tảng cho tăng trưởng và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đồng thời xây dựng và thực hiện tốt chương trình phát triển du lịch xanh cũng như bộ tiêu chí đánh giá và giám sát hiệu quả các hoạt động du lịch xanh phù hợp với điều kiện của tỉnh. Điều này góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”, giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành du lịch của tỉnh sẽ gia tăng chất lượng quảng bá, xúc tiến tiềm năng, sản phẩm du lịch, nhất là trên các nền tảng xã hội để thu hút và phục hồi thị trường khách quốc tế. Làm mới sản phẩm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng, đồng thời phát triển mới mảng du lịch nông thôn, hồ thác ở các khu vực nông thôn để cân đối dòng khách từ biển về rừng. Liên kết với các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai để tạo các tour, tuyến, sản phẩm chuyên biệt…
Với những tín hiệu tốt ngay từ đầu năm 2025, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành du lịch Bình Thuận sẽ đem đến hy vọng tăng trưởng trong năm 2025 với chỉ tiêu đón 10,6 triệu lượt khách, khách quốc tế là 350.000 lượt, doanh thu đạt trên 28.000 tỷ đồng.