Xa quê, chật vật nỗi lo mỗi khi tết về
Ai từng xa quê rồi mới hiểu cái cảm giác của người xa quê mỗi bận cuối năm. Đầu tiên là lo vé tàu, vé xe về tết. Với những người công nhân thì số tiền vé tàu xe về quê cho cả gia đình là vấn đề không phải nhỏ. Họ tằn tiện, tiết kiệm nhiều tháng trước đó để có thể mua được những chiếc vé xe sớm, không phải chen chúc những ngày sát rạt tết. Anh bạn đồng nghiệp tâm sự mỗi lần đặt vé xe về quê tốn hơn chục triệu đồng. “Bằng cả tháng lương”, giọng anh rầu rĩ “đó là đi xe thường thôi, không phải mua vé hạng nhất đâu đấy”. Khi tôi xuýt xoa giá cao, anh cười buồn “cao cũng phải mua, phải về quê chứ, nên thôi đành chấp nhận”.
Cô bạn đồng nghiệp thì gặp ai cũng hỏi “đã đặt vé xe về quê chưa?”. Ai trả lời là cô cười nói kể lể một thôi một hồi về quê hương, về kỷ niệm những ngày tết cũ. Xong, thể nào cũng than “tốn tiền quá, tết là tốn đủ thứ, dành dụm cả năm chỉ đủ xài tết”. Cái lời than khơi khơi vậy thôi mà làm bùng nổ một cuộc tranh luận về chi tiêu tết. Người thì kể phải mua sắm đủ thứ, người lại than phải lo tiền biếu bên nội bên ngoại. Sau chót, ai cũng buông tiếng thở dài “tết thì vui, mong thật nhưng tết cũng rất là mệt mỏi, lo toan đủ thứ”. Có đồng nghiệp nọ còn than “tết giờ như làm nghĩa vụ vậy đó, chẳng vui như hồi còn nhỏ nữa”. Ý kiến này được mọi người tán thành. Ai cũng bảo làm người lớn phải lo nhiều thứ thành ra chẳng còn ham tết nữa. Nhưng một số người lại bảo tết là dịp để sum họp gia đình, gặp lại người thân nên dù mệt cũng vẫn thấy nôn về tết.
Đâu phải ai xa quê cũng được về quê đón tết
Dù phải lo lắng đủ điều nhưng hẳn là ai cũng nôn tết đến, nôn được về quê gặp lại những người thân yêu. Còn gì vui vẻ, hạnh phúc hơn được ngồi bên nhau ăn mâm cơm ngày tất niên, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui. Cái không khí sum họp, gắn kết tình thân ấy ai mà chẳng háo hức mong chờ. Cũng bởi bữa cơm đầm ấm chiều ba mươi tết ấy mà bao mảnh đời bất hạnh, xuôi ngược mưu sinh nơi thị thành cũng chẳng thể nào quên được, năm nào cũng ngóng trông, để hy vọng năm sau làm ăn khá hơn có tiền về quê ăn tết.
Nhưng, đâu phải ai cũng được về quê ăn tết. Ông lão bán vé số, nhặt ve chai trong khu trọ tồi tàn gần nhà tôi là một ví dụ. Ông thường kể cho hàng xóm nghe về những điều thú vị ngày tết ở quê ông. Gia đình ông ở tận miền Trung, cái nghèo đeo bám nên phải bôn ba vào thành phố kiếm ăn. Ba mẹ mất đã lâu, con cái thì mỗi đứa một ngả chúng cũng bỏ quê vào Nam lập nghiệp, cũng vất vưởng nên chẳng về quê. Vài năm thì vợ mất, còn mỗi mình ông. Ở quê chỉ trông chờ hai sào ruộng, mà năm được năm mất. Chán cảnh mồ côi, ông bỏ quê vào thành phố mưu sinh cũng cả gần chục năm rồi. Bán vé số rồi nhặt nhạnh thêm ve chai thôi. Cũng đủ ăn qua ngày. Mấy năm đầu xa quê không mấy nhớ quê, nhưng càng già nỗi nhớ quê càng da diết. Nhất là những ngày giáp tết, thấy người ta tay bồng tay bế, bên xách bên mang lỉnh kỉnh đồ đạc về quê ăn tết, lòng ông cũng chộn rộn nỗi nhớ quê hương. Hỏi sao không về, ông đáp về cũng chẳng có ai, mà cũng chẳng đủ tiền để về. Bảo ông có chuyến xe từ thiện ấy, đăng ký là được chẳng mất tiền đâu. Ông chỉ cười, về làm gì, để người ta thấy bộ dạng lấm lem khói bụi thị thành này cười nhạo ư. Ở quê trọng lễ nghĩa, về phải thăm họ hàng, làng xóm. Thăm thì cũng phải có tí chút quà không thì bị chê cười. Tốn kém lắm, lấy đâu mà về. Thôi, ở lại thành phố, kệ, buồn dăm ba bữa rồi thôi, tết có mấy ngày đâu.
Ông già bán vé số không phải là trường hợp duy nhất nhớ quê mà không dám về. Hồi xưa, tôi nhớ má cũng thường hay than nhớ quê như vậy, mà cái lý do không muốn về cũng y chang ông già bán vé số. Thành ra má mắc kẹt giữa niềm khao khát được trở về và nỗi sợ phải trở về. Có lẽ vậy mà mấy mươi năm má chưa về quê lần nào. Để mỗi lần cứ chạp về, bấc thổi thốc là thể nào má cũng ngồi bó gối nhìn ra ngoài ngõ thở vắn than dài.
Lại một mùa tết sắp đến. Mỗi lần chạy xe trên đường, thấy những cái bóng gầy nhom cố gắng lục lọi bãi rác kiếm ve chai để nhặt, lại chạnh lòng thương. Tự hỏi tết này họ có về quê ăn tết hay không?