Tại Bình Thuận, với vai trò được giao là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Dự án 8 được triển khai tại 20 thôn/12 xã thuộc 4 huyện là Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Với mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS&MN.
Để đạt mục tiêu Dự án 8 đặt ra, Hội LHPN tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động vừa cụ thể, thiết thực, vừa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời nắm bắt những khó khăn, hạn chế từ cấp huyện để có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ. Vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, hội thi, tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội...
Với 4 nội dung của dự án, đến nay, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh đã thành lập 20 tổ truyền thông cộng đồng, 3 địa chỉ tin cậy, 5 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Ngoài ra, Hội còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 30 cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo hệ thống chính trị, 12 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản, 6 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; hội thi “Bảo đảm an toàn và bình đẳng giới cho trẻ em trong nhà trường và gia đình” dành cho trẻ em vùng DTTS&MN; 6 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình cho 300 người dân tại cộng đồng. Hàng tháng, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tổ chức sinh hoạt định kỳ cho các thành viên, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho tất cả học sinh trong trường theo chủ đề, chủ điểm…
Cùng đồng hành với các xã thụ hưởng dự án, bà Trương Thị Mười – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Công tác tuyên truyền luôn được xác định là giải pháp then chốt nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nói chung, chị em phụ nữ nói riêng. Trong đó, các tổ truyền thông cộng đồng đã đóng góp rất quan trọng trong việc vận động làm thay đổi nhận thức trong người dân về bình đẳng giới. Bởi có tiếng nói, sự vào cuộc tích cực của người có uy tín, bí thư chi bộ… mà những nội dung như thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, hệ lụy của tảo hôn, phòng, chống bạo lực gia đình đã được các gia đình nhận thức đầy đủ hơn...
Cùng với thay đổi “nếp nghĩ”, chị em đang dần thay đổi “cách làm” trong xây dựng kinh tế gia đình, nỗ lực lao động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quảng bá sản phẩm, vươn lên khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Với cách làm linh hoạt, mô hình sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 của các cấp hội phụ nữ đang góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện bình đẳng giới. Trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.