Phải thay đổi nhận thức tiếp cận nghề nghiệp
Với những lý do như trình độ thấp, hạn chế về sức khỏe, tuổi tác, nhiều phụ nữ nông thôn hiện gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm... Những lo lắng của chị em cũng là trăn trở của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Không phải đến bây giờ vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn mới được đề cập. Để đồng hành với hội viên, các cấp hội đã liên kết, kết nối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đồng thời khuyến khích thành lập các mô hình, tổ liên kết, từ giúp một ít vốn ban đầu, cộng thêm việc động viên, hướng dẫn đã giúp nhiều phụ nữ nghèo có bàn đạp vươn lên.
Bên cạnh đó, còn có sự vào cuộc tích cực của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trong công tác phối hợp tư vấn, tuyên truyền, liên kết đào tạo nghề, hướng nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Kết quả từ năm 2021 đến nay, đơn vị tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 54.897 người, trong đó có 16.469 người học là nữ, chiếm tỷ lệ 30%. Chia ra trình độ cao đẳng 2.398 người, trình độ trung cấp 3.825 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 48.674 người.
Một số nghề thu hút lao động nữ nông thôn như may công nghiệp, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, pha chế thức uống, trang điểm thẩm mỹ, chăn nuôi, thú y, trồng nấm, bảo vệ thực vật... Số lao động qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa số được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong đó có lao động nữ hiện nay. Đó là một bộ phận người lao động còn xem nhẹ tầm quan trọng của việc học nghề. Chính sách tuyển sinh vào đại học dễ dàng nên thu hút đa số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học, nên số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng đạt tỷ lệ thấp. Trình độ học vấn của một bộ phận người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong quá trình học nghề không theo kịp chương trình đào tạo, vẫn có tình trạng học viên bỏ học giữa chừng, gây lãng phí. Việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các buổi tư vấn giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm ở các địa phương gặp nhiều khó khăn do ít lao động tham gia. Lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều...
Chủ động nắm bắt cơ hội việc làm
Giữa kinh tế và việc xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phụ nữ có nghề nghiệp, việc làm và độc lập về tài chính sẽ tự tin hơn trong việc xây dựng đời sống gia đình cũng như phát triển bản thân. Do đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân, với nhu cầu của xã hội là rất quan trọng, đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết thêm: Đơn vị cũng đang phối hợp với các cấp hội, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức hoạt động tư vấn, thông tin thị trường lao động, đào tạo kỹ năng bổ trợ cho phụ nữ để nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Cùng với đó, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay giải quyết việc làm hàng năm; vay vốn khởi nghiệp, thực hiện các dự án trang trại, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất để giải quyết cho lao động nữ có thêm nguồn thu ổn định…
Để nâng cao vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, thay vì thụ động chờ sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, các hội, đoàn thể, thì mỗi chị em cũng phải chủ động, sáng tạo, tận dụng cơ hội, xóa bỏ các rào cản về giới để tích cực trong học nghề. Cùng với đức tính cần cù, siêng năng trong sản xuất chắc chắn sẽ mở ra hy vọng tìm được công việc, mang lại thu nhập ổn định hơn.