Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bài 2

29/11/2024, 05:19

Bài 2: Tạo cơ sở cho năm “nước rút”

Hiện các thông tư có nội dung liên quan đến đền bù giải tỏa phải đến ngày 1/1/2025 mới hết hiệu lực. Vì vậy, các địa phương dốc sức tận dụng định mức kinh tế kỹ thuật, quyết định đơn giá hiện hành của tỉnh vẫn đang còn hiệu lực để thực hiện các bước để thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể cho đền bù.

Tranh thủ “thời khắc”

7 ngày sau khi Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) được ban hành, ngày 5/11/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Quyết định cũng nhấn mạnh là trừ 2 dự án đã có ban chỉ đạo riêng là Dự án Kè sông Cà Ty và dự án Chung cư sông Cà Ty. Trưởng ban chỉ đạo này là Bí thư Thành ủy Phan Thiết, phó trưởng ban là 2 phó bí thư của thành ủy, trong đó có chủ tịch UBND thành phố cùng 23 thành viên là lãnh đạo của các phòng, ban, đoàn thể, đơn vị và tổ giúp việc gồm 8 cán bộ, công chức khác của Phan Thiết. Nhìn qua đã thấy cả hệ thống chính trị của Phan Thiết vào cuộc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động và theo dõi, đôn đốc thực hiện việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư để triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Phan Thiết mà như yêu cầu của quyết định là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

cong-vien-ca-ty-phan-thiet-anh-n.-lan-.jpg
Công viên Cà Ty, Phan Thiết (ảnh N. Lân)

Có thể nói, Phan Thiết là địa phương có động thái sớm nhất trong hưởng ứng Chỉ thị 42. Qua đó cho thấy sự bức xúc bởi tình trạng chưa chuyển động của những công trình, dự án trên địa bàn thành phố mà phần lớn các công trình đều mang tính cấp thiết, trọng điểm, có số vốn lớn. Và công trình nào cũng vướng đền bù giải tỏa không nhiều thì ít, không chỉ của riêng Phan Thiết mà còn của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh có dự án thi công trên địa bàn thành phố. Trong 8 công trình trọng điểm của tỉnh năm 2024 thì đã có 6 công trình nằm trên địa bàn TP. Phan Thiết, gồm Kè bờ tả sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), Chung cư sông Cà Ty, Công viên Hùng Vương (Công viên Hùng Vương - công viên sinh thái ngập nước), Cảng hàng không Phan Thiết, Làm mới Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và cầu Văn Thánh. Vì thế, sự ra đời ban chỉ đạo trên của Phan Thiết là kịp thời, mang tính dốc lực, nhất là thời điểm này đến cuối năm được xem là thời khắc tranh thủ tận dụng định mức kinh tế kỹ thuật, quyết định đơn giá hiện hành của tỉnh vẫn đang còn hiệu lực để thực hiện các bước để thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể cho đền bù.

cong-truong-xay-dung-cau-ca-ty-phan-thiet-anh-n.-lan-1-.jpg
Công trường xây dựng cầu Cà Ty, Phan Thiết. Ảnh: N.Lân
untitled_1.1.1.jpg
Khu dự án Công viên Hùng Vương - công viên sinh thái ngập nước.

Không chỉ Phan Thiết, các huyện, thị khác trong tỉnh cũng ít nhiều bị vướng giải phóng mặt bằng, không thể triển khai để giải ngân nên đều đang loay hoay trong đi tìm giá đất cụ thể để đền bù ở từng dự án. Theo thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua các địa phương đều gặp vướng mắc trong xác định giá đất cụ thể, nhất là hướng dẫn áp dụng đơn giá. Hiện các thông tư có nội dung liên quan đến đền bù giải tỏa phải đến ngày 1/1/2025 mới hết hiệu lực. Vì vậy, sở hướng dẫn các địa phương dốc sức tận dụng những quy định còn có hiệu lực để thực hiện công tác này một cách chủ động và nhanh nhất.

duong-giao-thong-dt.719b-anh-n.-lan-1-.jpg
Đường giao thông  ĐT 719B

Báo cáo của UBND tỉnh ngày 17/11: “Hiện còn 7 dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, với tổng kế hoạch vốn năm 2024 bố trí là 884.825 triệu đồng”.

Thế “nước rút” của năm 2025

Những trở ngại trong giải ngân đầu tư công của năm 2024 không dừng ở vướng mắc bởi giải phóng mặt bằng, mà còn vì công tác chuẩn bị đầu tư dự án chậm. Ngoài lý do chủ quan liên quan đến cán bộ tạo ra chất lượng hồ sơ dự án chưa cao, còn vì trong năm nay có ràng buộc thêm nhiều quy định mới. Thế nên, những gì đã trải qua của năm 2024 đã giúp cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ này có kinh nghiệm để thực hiện những thủ tục tương tự với công trình, dự án trong năm 2025. Với cấp huyện, nhiều nơi trong quý 4, đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư những dự án của địa phương nằm trong danh sách đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để khởi động cho năm 2025.

ho-van-thanh-phan-thiet-vua-duoc-dau-tu-xay-dung-khang-trang-anh-n.-lan-.jpg
Hồ Văn Thánh Phan Thiết vừa được đầu tư xây dựng khang trang (ảnh N. Lân)

Mặt khác, trong Chỉ thị 42 cũng yêu cầu rất rõ cho cấp ủy trong đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Cụ thể, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, tiến độ thi công, giải ngân chi tiết của từng dự án, công trình trọng điểm, quan trọng gắn với phân công, phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; thường xuyên yêu cầu báo cáo, rà soát tình hình thực hiện để kịp thời lãnh đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Phối hợp xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền. Tăng cường huy động sự tham gia của hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với các dự án, công trình trọng điểm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị…

cay-xanh-duoc-trong-hai-ben-duong-hung-vuong-la-gi-anh-n.-lan-.jpg
Cây xanh được trồng hai bên đường Hùng Vương, La Gi (ảnh N. Lân)

Thế nên, trước mắt, đây là mặt thuận lợi cần ghi nhận. Tuy nhiên, cũng nổi lên những yếu tố được đánh giá là không ít khó khăn trong năm 2025. Rõ nhất là 8 công trình trọng điểm như báo cáo của UBND tỉnh đánh giá thì tiến độ thực hiện trong năm 2024 chưa chuyển biến nhiều nên UBND tỉnh đề nghị tiếp tục đưa 8 công trình trên vào danh mục các công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2025 để tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đáng chú ý, 8 công trình này cũng là 8/11 công trình trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh, các công trình đã hoàn thành, năm 2025, có 4 công trình dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng. Đó là Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận; Làm mới Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà; Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Phú Quý (giai đoạn 2); Cầu Văn Thánh, TP. Phan Thiết. Còn Chung cư Cà Ty dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026 có nghĩa trong năm 2025 cũng là năm phải quyết định xong cơ bản.

Từ kết quả đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh cũng đưa ra các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, năm được ví là nước rút của giai đoạn đầu tư 2021-2025. Cụ thể, các chủ đầu tư chủ động công tác chuẩn bị đầu tư dự án để đủ điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2025 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2025. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Song song đó, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở ngành địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Bài 1: Xoay xở cuối năm

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bài 2