Đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị
Hạ tầng thương mại tại tỉnh hiện phát triển mạnh với sự góp mặt của nhiều chuỗi phân phối lớn như Lotte, Winmart, Coopmart cùng mạng lưới các cửa hàng tiện ích và điểm kinh doanh trái cây an toàn. Đây là kênh tiêu thụ tiềm năng nếu được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy, dù có quầy hàng riêng dành cho sản phẩm OCOP, nhưng các sản phẩm OCOP tỉnh chỉ chiếm số lượng ít ỏi, chưa đa dạng. Người tiêu dùng muốn tìm mua thêm không có cách nào khác phải liên hệ trực tiếp với chủ thể sản xuất.
Gian hàng trưng bày dành riêng sản phẩm OCOP (ảnh tư liệu).
Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp kết nối và quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, nổi bật Sở Công Thương tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, và mở rộng hợp tác với các hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.
Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương – cho biết: “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với các siêu thị lớn như Coopmart Phan Thiết, Coopmart La Gi và Coopmart Phan Rí Cửa để hỗ trợ gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Sở đang tiếp tục đăng ký với Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương Đề án “Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” năm 2025 với kinh phí dự kiến là 300 triệu đồng”.
Điểm trưng bày sản phẩm OCOP của HTX Sen núi (Đức Linh)
Những nỗ lực này đã giúp các sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, và góp phần thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, việc tiêu thụ qua kênh bán lẻ hiện đại vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, và sức cạnh tranh hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chia sẻ, việc đáp ứng tiêu chuẩn để đưa sản phẩm vào siêu thị hiện nay không hề dễ dàng, đặc biệt với các cơ sở sản xuất nhỏ. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp OCOP nhỏ lẻ trong việc tiếp cận tiêu chuẩn siêu thị, tạo điều kiện để sản phẩm địa phương vươn xa hơn.
Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Điểm trưng bày “cầu nối” tiêu thụ sản phẩm
Đến nay, toàn tỉnh có 76 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, bao gồm 66 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Những sản phẩm này mang tính truyền thống hoặc đặc trưng địa phương như nước mắm, thanh long tươi và các sản phẩm chế biến từ thanh long (rượu vang, thanh long sấy dẻo, nước ép…), rong nho, tinh nghệ, kẹo hạt điều và các sản phẩm từ hải sản.
Ngoài 2 điểm giới thiệu và trưng bán sản phẩm OCOP tỉnh tại TP. Phan Thiết do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thành lập. Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục thành lập điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các HTX tại số 10 Hải Thượng Lãn Ông, TP. Phan Thiết. Qua hơn 1 năm hoạt động, điểm trưng bày này đã đón nhiều đoàn khách tham quan, mua sắm, và trao đổi hàng hóa. Qua đây, hàng tấn nông sản tươi, sản phẩm chế biến từ thanh long, nước mắm và hải sản đã được giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần khẳng định giá trị sản phẩm địa phương.
Có thể nói, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều thách thức. Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển bền vững các doanh nghiệp và HTX cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào khâu chế biến sâu, đảm bảo sản lượng ổn định và cải tiến mẫu mã bao bì để thu hút người tiêu dùng. Việc kể câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm gắn với văn hóa địa phương cũng là một cách hiệu quả để tạo dấu ấn riêng biệt. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá chuyên nghiệp sẽ giúp sản phẩm OCOP mở rộng thị trường hơn nữa.