Chuyển từ nhận thức sang hành động
Xuất phát từ việc Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Đề án số 02 về “tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, Nhân dân và các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp trong các đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, các cơ quan, doanh nghiệp”. Ngay sau đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, xắn tay áo triển khai tích cực các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường.
Năm 2022, từ những phần việc đơn giản như ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh cơ quan, đơn vị, khu vực dân cư sinh sống. Đến năm 2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đăng ký 57 công trình, phần việc gắn với các hoạt động cụ thể như xây dựng tuyến đường không có rác thải, tuyến đường hoa, huy động lực lượng ra quân tổng vệ sinh môi trường, hỗ trợ thùng chứa rác thải, trồng cây xanh... Từng bước xóa bỏ những “điểm đen” tồn đọng lâu năm về rác thải.
Liên tiếp là hàng loạt các mô hình quản lý, bảo vệ môi trường được hình thành từ Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương”. Đến nay, huyện tiếp tục duy trì các mô hình “Tàu cá và tàu du lịch tham gia thu gom rác thải” tại thị trấn Liên Hương, xã Phước Thể, xã Bình Thạnh; mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và kết hợp làm phân compost” tại xã Bình Thạnh và mô hình “Tiếp cận xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp rác thải và không rác thải nhựa đại dương”. Những mô hình này dù chưa lan rộng toàn xã, nhưng đã dần thành thói quen của nhiều người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng như mô hình: “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”; mô hình “Đội thanh niên tình nguyện thu gom rác thải trên địa bàn nông thôn của thanh niên”; mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” với 50 hộ dân trên địa bàn xã Bình Thạnh; Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” với sự tham gia của 150 đoàn viên thanh niên của các địa phương có đường bờ biển. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, nổi bật là việc thực hiện các công trình, phần việc thanh niên như: “Tuyến đường hoa thanh niên”, “Tuyến đường Thanh niên sáng - xanh - sạch – đẹp - an toàn”, “Vườn cây Thanh niên”, thực hiện có hiệu quả Chương trình vì một Bình Thuận xanh trên địa bàn huyện. Song song đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Khu dân cư ven biển tham gia thu gom, phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”; duy trì các tổ nhóm hội viên phụ nữ ra quân bảo vệ môi trường (Tổ thu gom ve chai, Tổ phụ nữ “Nói không với rác thải nhựa”, Tổ tuyên truyền hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, Tổ giữ gìn vệ sinh môi trường…).
Đẩy mạnh xã hội hóa
Từ nhiều mô hình, phần việc hoạt động hiệu quả đó, đến nay, ngày càng có nhiều mô hình bảo vệ môi trường được hình thành từ những hội, nhóm tự phát của người dân, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Điển hình như các mô hình: “Bảo quản, chăm sóc và giữ gìn vệ sinh môi trường biển” của nhóm Phước Thể Xanh; “Khéo trong thực hiện, tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường”, “Bảo vệ môi trường” (xã Phước Thể); chương trình “Vì Gành Son thân yêu” (xã Chí Công)… đã góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của người dân một cách mạnh mẽ.
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách do UBND huyện cấp hàng năm, nhiều địa phương chủ động, huy động sự đóng góp kinh phí từ nguồn xã hội hóa triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Xã Vĩnh Tân đã huy động các phương tiện của doanh nghiệp, người dân và Hợp tác xã vệ sinh môi trường Vĩnh Tân tiến hành thu gom rác thải và vận chuyển vào bãi rác của xã với số tiền gần 50 triệu đồng. Xã Vĩnh Hảo vận động sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã về nhân lực, vật lực và kinh phí cùng chung tay, ra quân dọn vệ sinh tại các điểm thường xuyên tồn đọng rác như dọc tuyến quốc lộ 1A, bờ kè nhằm tạo cảnh quan thông thoáng với kinh phí hàng năm khoảng 40 triệu đồng. Xã Chí Công phối hợp với Hợp tác xã môi trường Vĩnh Hảo tổ chức khảo sát địa bàn để thực hiện kế hoạch lấy rác. Ngoài ra, vận động, bố trí thùng đựng rác ở một số khu vực quy định, nhằm giải quyết việc rác thải tồn đọng tại các tuyến đường hẻm nhỏ chưa tổ chức thu gom. Huy động xã hội hóa được 200 triệu đồng để nạo vét cửa sông Hiệp Đức và thuê phương tiện cơ giới dọn vệ sinh tại các điểm bức xúc trên địa bàn của xã. Đặc biệt, xã Bình Thạnh phối hợp với Ban quản lý Du lịch Bình Thạnh vận động doanh nghiệp tặng 15 thùng đựng rác (loại 150 lít) cho 15 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực. Đồng thời, Ban quản lý du lịch Bình Thạnh thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại các điểm du lịch công cộng, nhằm tạo cảnh quan du lịch sáng - xanh - sạch - đẹp.
Để những mô hình trên tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả UBND huyện sẽ tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa về nhận thức và hành động của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị ngày càng khang trang, sạch, đẹp trong khu dân cư.