Phía sau bục giảng

19/11/2024, 05:30

Ai cũng biết, công việc chính của người giáo viên là lên lớp giảng dạy kiến thức và giáo dục học sinh. Mỗi khi đến trường, thầy cô giáo luôn trong những bộ đồ đẹp mắt, chỉn chu cùng phong thái nhẹ nhàng, lịch sự. Có lẽ vì vậy, mà không ít người chợt nghĩ, công việc của giáo viên cũng an nhàn, thảnh thơi. Thầy cô chỉ lên lớp dạy học, hết giờ thì ra về như bao ngành nghề khác.

Thế nhưng, nếu không phải là người trong nghề thì chẳng mấy ai biết được, phía sau dáng vẻ tưởng như an nhàn ấy là những áp lực bủa vây, là sự vất vả, nhọc nhằn, là những hy sinh thầm lặng mà thầy cô chưa kể.

co-minh.jpg

Những giờ học chỉ một kèm một

Sau 2 tiết học buổi sáng cũng như buổi chiều là giờ ra chơi. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá của cả thầy và trò để chuẩn bị năng lượng cho những giờ học tiếp theo. Tuy thế, trong các dãy lớp học mà đặc biệt là khối lớp một, một số giáo viên lại chuẩn bị cho công việc kèm cặp học sinh yếu.

Dạo một vòng qua mấy lớp 1, hình ảnh dễ thấy nhất là mỗi cô đều ngồi bên một học sinh hướng dẫn cho các em đọc chữ cái, ghép tiếng, tạo vần.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, tổ trưởng chuyên môn, cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi chia sẻ: “Nếu giáo viên chỉ dạy trên lớp theo đúng thời khóa biểu đã phân công thì một số học sinh có vấn đề về nhận thức sẽ không thể theo nổi. Vì thế, các cô phải bỏ thêm thời gian, công sức phụ đạo riêng”.

co-tuyet1.jpg

Nói rồi, cô Minh nói lớp mình có 34 em nhưng có tới 2 em thuộc dạng đặc biệt khó khăn trong việc tiếp thu bài. Một em vào lớp trễ so với các bạn hơn 2 tuần nên cô phải kèm riêng để dạy đuổi chương trình.

Một em học vài ngày cũng chưa nhớ nổi một âm vần. Cô giáo nói cứ phải cho đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng cứ nhớ trước lại quên sau. Vì điều này, ngày nào cũng vậy, cứ vào giờ ra chơi, giờ nghỉ tiết, cô lại cần mẫn ngồi bên từng học sinh để kèm đọc.

Cô Phạm Ngọc Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B cũng cùng chung hoàn cảnh: “Lớp mình có 2 học sinh yếu, ngoài việc học chung với cả lớp, cô phải dạy riêng vào những giờ nghỉ tiết và giờ ra chơi. Thế nhưng, cứ học trước quên sau nên kèm vất vả lắm. Mỗi lần chỉ có thể kèm một em nên phải chia theo ca”.

“Cô ơi!, bạn… ị ra quần!”, sau câu nói quen thuộc ấy là vài chục cánh tay giơ lên bịt mũi, cả lớp nhôn nhao, ồn ào hẳn lên. Cô giáo Nguyễn Thị Phượng phải dừng bài dạy, với tay lấy bộ đồ cô đã chuẩn bị sẵn dắt cậu học trò ra khỏi lớp đi về phía nhà vệ sinh. Cô bắt đầu xịt nước tắm cho cậu bé rồi mặc bộ quần áo để về lại lớp. May mắn vẫn chưa bị vây đồ dơ ra lớp nên chỉ cần lau dọn nhẹ, khử mùi là tiếp tục vào bài dạy.

Có những hôm, học sinh ấy "tè" ra tại chỗ ngồi. Giáo viên gọi điện cho phụ huynh nhưng nhiều hôm không liên lạc được. Thế là, tiết học phải dừng ngay tại đó để dọn dẹp, tẩy mùi. Không phải cá biệt hay hi hữu mới xảy ra, những lớp học có học sinh bị bệnh khuyết tật nặng thì chuyện như thế được xem như là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ít phải dọn đồ dơ như lớp cô giáo Phượng, nhưng cô giáo Mai Duyên giáo viên chủ nhiệm lớp 1A lại phải thường xuyên ra khỏi lớp tìm cậu học trò cũng bị tự kỷ. Bé vào lớp cũng chỉ ngồi dăm ba phút là chạy đi. Thấy lâu vào lớp, cô giáo phải dừng bài dạy để đi tìm vì sợ có chuyện không may xảy đến.

Hỗ trợ về vật chất, tinh thần

Trong mỗi lớp học hiện nay, có khá nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có em mất cha, em lại mất mẹ. Có em còn cha mẹ nhưng quanh năm chỉ sống với ngoại hoặc nội đã già do ba mẹ đi làm ăn xa lại gặp khó khăn nên ít về nhà. Có em sống trong gia đình mà ba kế hoặc mẹ kế nên thiếu vắng tình yêu thương. Điểm chung của những học sinh này là gia đình đều gặp khó khăn về kinh tế. Các em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ nên ít chăm học và tiếp thu khá chậm. Một số học sinh còn tỏ ra lì lợm và quậy phá, ít nghe lời thầy cô.

Thương học sinh vì thiệt thòi hơn chúng bạn, giáo viên đã luôn đề cao phương pháp “Giáo dục học sinh bằng tình yêu thương”, không chỉ hỗ trợ các em vật chất mà còn hỗ trợ thêm về tinh thần.

Căn cứ vào hoàn cảnh từng học sinh để có những biện pháp giúp đỡ phù hợp. Có em thiếu sách vở, giày dép khi tới trường. Có em quanh năm chỉ mặc một bộ đồ cũ mèm đã ngả sang màu cháo lòng.

Cô thì mua sách vở, áo quần. Cô mua đồ dùng học tập, cặp sách, giày dép. Cô hỗ trợ hoặc kết nối nhà hảo tâm ủng hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Cô thì hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Không chỉ học sinh mà một số phụ huynh cũng thấy vui, ấm lòng vì nhận được sự quan tâm, chia sẻ của giáo viên. Nhờ đó, việc hợp tác giáo dục giữa hai môi trường gia đình và xã hội cũng trở nên tích cực và khăng khít.

PHAN TUYẾT

Related articles
Làm rõ vụ việc học sinh bị bạn đánh
BTO - Ngày 11/11, công an xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam đã mời phụ huynh của 4 học sinh Trường THCS Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam đến làm việc liên quan đến vụ việc 1 học sinh của trường này bị đánh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau bục giảng