Kỳ họp thứ 8: Xem xét trách nhiệm tổng biên tập nếu để phóng viên vi phạm

13/11/2024, 07:57

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết theo quy định mới, nếu phóng viên bị bắt thì tổng biên tập phải chịu trách nhiệm; sẽ xử lý tổng biên tập và phóng viên thay vì chỉ xử lý cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển báo chí trong chuyển đổi số đã được đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên chất vấn sáng 12/11.

Đạo đức báo chí trong nhiều năm chưa được quan tâm

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ đã nhận thấy vấn đề này. Khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông có đọc được một báo cáo nghiên cứu, đánh giá về uy tín nghề nghiệp, tại thời điểm đó, phóng viên được xếp thứ 9/10 nhóm nghề nghiệp được khảo sát và đứng thứ 10 là những người đi bán bất động sản trực tuyến. Tư cách đạo đức phóng viên đã rất được quan tâm trong những năm gần đây.

Cách đây 2 năm, năm 2022, cũng cơ quan đưa ra báo cáo nghiên cứu, khảo sát trên, làm lại một khảo sát đánh giá về 10 nhóm nghề nghiệp, nhóm phóng viên xếp thứ 3, sau giáo viên và bác sỹ. Lý do là kinh tế báo chí. 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí, thì hiện nay lại rơi vào mạng xã hội, có nghĩa là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm một cách đáng kể.

Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rất rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình; có bộ máy và có ngân sách hằng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây là một nguồn tăng thêm cho các cơ quan báo chí thực hiện về kinh tế báo chí.

Báo chí cũng phải thay đổi công nghệ. Hiện nay, báo chí kém mạng xã hội về mặt công nghệ. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ báo chí tương đương với các nền tảng mạng xã hội.

ttxvn_thong_tin_va_truyen_thong_2.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Nói như vậy, nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là vấn đề đạo đức làm nghề báo chí. Thực ra, thu nhập của các phóng viên của các cơ quan báo chí không phải là thấp so với cán bộ, công chức. Nhiều cơ quan báo chí đã có mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/người, cao hơn công chức, viên chức một số ngành và thấp hơn doanh nghiệp truyền thông. Như vậy, vấn đề đạo đức báo chí trong nhiều năm chúng ta cũng chưa quan tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam xác định trong nhiệm kỳ này là tập trung vào việc đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trong các năm 2023-2024, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt giữ.

“Người làm trong nghề cũng đau lắm. Nhưng so với gần 45.000 người làm báo, trong đó có 21.000 người làm báo có thẻ nhà báo, đây là những con sâu làm rầu nồi canh," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trong 80% số phóng viên, cộng tác viên bị bắt giữ là công tác tại các tạp chí nhỏ, các tạp chí của các tổ chức xã hội nghề nghiệp - những nơi mà cơ quan chủ quản có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí của mình, cũng như tổng biên tập buông lỏng quản lý với phóng viên.

Giải pháp để khắc phục tình trạng trên, chống báo hóa tạp chí, để các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tiêu chí để nhận dạng báo hóa tạp chí và đăng công khai trên hầu hết các cơ quan báo chí, trang tin và mạng xã hội để cho toàn xã hội giám sát. Từ đó, khi thanh tra, kiểm tra sẽ dựa trên những tiêu chí này để kiểm tra. Các cơ quan chủ quản cũng nhìn vào những tiêu chí này để đánh giá cơ quan báo chí trực thuộc có dấu hiệu vi phạm không.

Bộ cũng công khai tôn chỉ, mục đích của hơn 800 cơ quan báo chí trên các cổng thông tin để cho bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, địa phương nào cũng có thể vào tra cứu khi có phóng viên được cử đến, xem hoạt động tác nghiệp của phóng viên có đúng với tôn chỉ, mục đích không. Và nếu không đúng, cơ quan, tổ chức, địa phương có quyền từ chối. Nếu bị phóng viên ép, cơ quan, tổ chức, địa phương có thể liên hệ đến với đường dây nóng của Bộ Thông tin và Truyền thông để phản ánh.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phân cấp cho các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nhiều hơn về kiểm tra, thanh tra, giám sát các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

“Vừa rồi, chúng ta có một số quy định mới, nếu phóng viên của cơ quan báo chí bị bắt thì tổng biên tập phải chịu trách nhiệm; xem xét trách nhiệm tổng biên tập. Và chúng ta cũng có những quy định mới như trước đây chỉ xử lý cơ quan báo chí còn nay sẽ xử lý trực tiếp tổng biên tập, xử lý trực tiếp phóng viên có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng có ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo," Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh - “nghề báo là một nghề rất đặc biệt," có tác động lan tỏa rộng lớn và vì thế các tiêu chuẩn nghề nghiệp phải rất đặc biệt. Sắp tới, trong sửa Luật Báo chí, sẽ có đề xuất quy định nâng tiêu chuẩn của người làm báo.

Đề xuất cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho cơ quan báo chí chủ lực

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò "người lính" xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lâu nay có quan điểm báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Cách đây nhiều năm khi kinh tế thị trường mới bắt đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng và phải chi khá nhiều tiền cho quảng cáo. Lúc bấy giờ, quảng cáo thì chỉ mỗi một phương tiện là báo chí và báo chí khi đó cũng ít, đồng thời báo chí cũng có niềm tin dựa vào thị trường là chính và mong muốn được tự chủ, vì khi được tự chủ, cơ chế sẽ thông thoáng hơn, tạo ra một phong trào báo chí ra tự chủ, không dùng ngân sách Nhà nước.

ttxvn_thong_tin_va_truyen_thong_3.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, khi mạng xã hội xuất hiện, 80% là quảng cáo trực tuyến; nếu cả quảng cáo trực tuyến và trực tiếp thì mất khoảng 60% rơi vào mạng xã hội, trong khi đó các cơ quan báo chí ra đời nhiều (đến nay là hơn 800 cơ quan báo chí). Như vậy, số lượng cơ quan báo chí tăng nhưng nguồn thu lại giảm.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách, có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình, ngoài việc chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin thì có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí.

Thời gian qua, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tăng ngân sách đặt hàng báo chí. Và trong sửa Luật Báo chí sắp tới, sẽ có một mục về kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.

Cũng theo Bộ trưởng, nếu báo chí cứ chạy theo mạng xã hội thì sẽ vẫn chỉ ở phía sau. Do đó, cách để báo chí khác biệt với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội, quay lại những giá trị cốt lõi, dùng công nghệ, nền tảng số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, để từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong Quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông.

“Thực ra, chúng ta có nhiều cơ quan báo chí, nhưng các cơ quan báo chí nhỏ lại chiếm đa số. Cho nên, chúng ta vẫn cần phải tập trung vào các cơ quan báo chí lớn, tạo điều kiện cho họ, tạo cơ chế đặc biệt cho họ; trong sửa đổi Luật Báo chí sắp tới trình Quốc hội, rất mong Quốc hội ủng hộ việc giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực," Bộ trưởng nhấn mạnh.

TTXVN/VIETNAM+

Related articles
Làm rõ trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng
BTO-Sáng nay 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.

(0) Comments
Focus
Time to back “home” Amorim!
BTO-Under Ruben Amorim, Sporting Lisbon achieved a perfect start in the Portuguese Primeira Liga, winning their first 12 matches and holding the top spot for over four months. However, after Amorim left Lisbon, both he and his former team faced struggles. Amorim is now struggling while his former teams, under new coach Joao Pereira, have fallen into crisis.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ họp thứ 8: Xem xét trách nhiệm tổng biên tập nếu để phóng viên vi phạm