Thân thương những nghề xưa cũ

05/11/2024, 05:25

Bên cạnh sự năng động, vươn mình từng ngày của thành phố trẻ Phan Thiết; đâu đó những góc nhỏ đô thị ở phường Đức Nghĩa vẫn còn những người gắn bó với nghề xưa cũ như sửa đồng hồ, làm chìa khóa, sửa giày dép… Đây là những nghề mưu sinh xen lẫn trong dòng chảy hiện đại. Họ và “nghề xưa cũ” trở thành bình dị, thân thương, là nét chấm phá, tô điểm thêm cho sự tấp nập, sôi động của phố phường.

Túc tắc sống qua ngày

“Cắt chìa khóa bằng máy” là bảng hiệu để mọi người nhận diện góc ngồi quen thuộc của ông Lý Tấn Thọ, một thợ cắt chìa khóa lâu lăm trên đường Trần Phú. Hơn 20 năm nay, không cửa hiệu, không trưng bày cầu kỳ, góc nhỏ của ông Thọ chỉ bày biện đơn giản một số dụng cụ dùng để mài, cắt chìa khóa. Với cái tủ nhỏ có treo lủng lẳng chìa khóa cùng những chiếc ghế nhựa cho khách ngồi chờ. Chỉ cần khách có yêu cầu, chìa khóa bản sao được cho vào rãnh máy cắt, bàn giũa, trong vòng vài phút một chiếc chìa khóa mới được ra đời.

1.jpg
Một góc nhỏ 2 bên đường Trần Phú có nghề sửa đồng hồ và nghề cắt chìa khóa.

Theo ông Thọ, mỗi chiếc chìa khóa giao cho khách có giá tùy thuộc, nhưng dao động từ 15.000 – 30.000 đồng. Nếu ngày nào đông khách thì có thể kiếm thu nhập được 300.000 đồng, có hôm cũng chỉ được hơn 100.000 đồng. Trầm ngâm về nghề của mình, ông Thọ cho biết cách đây 10 năm số tiền kiếm hàng ngày nhiều hơn bây giờ; cách làm nghề ngày xưa cũng chỉ có mỗi cái giũa, cái đục, cái búa đơn giản. Bây giờ thì vẫn là những dụng cụ đấy, nhưng có thêm sự hỗ trợ của máy móc nên thời gian cho ra một cái chìa khóa cũng nhanh.

Cũng trên trục đường Trần Phú, có một tiệm nhỏ sửa đồng hồ cũng đã quá thân thuộc với những người dân nơi đây. Đó là tiệm của ông Lê Văn Hùng, ông bắt đầu học và làm nghề này từ lúc 18 tuổi, cho đến nay ông đã hơn 60 tuổi và công việc sửa đồng hồ theo cách thủ công như vậy đối với ông Hùng trong thời nay cũng chỉ là yêu nghề, kiếm thêm một ngày từ 100.000 – 200.000 đồng để trang trải cuộc sống. “Cũng chỉ là túc tắc kiếm cơm, thứ làm tôi kiên trì ngồi đây có khi chỉ là cái không khí đường phố, là sự thân thuộc gắn bó ở con đường này”, ông Hùng trải lòng. Túc tắc qua ngày là bởi, hiện nay người sửa đồng hồ thường đến những tiệm có trang bị máy móc, hoặc những chiếc đồng hồ hiện đại nhiều khi không phù hợp với việc sửa chữa thủ công.

2.jpg
Với ông Lê Văn Hùng, thì việc sửa chữa đồng hồ thủ công cũng chỉ là túc tắc sống qua ngày.
3.jpg
Ông Lý Tấn Thọ đã có hơn 20 năm ngồi cắt chìa khóa ở góc đường Trần Phú.

Cũ và mới, hiện đại xen lẫn cổ điển

Đến trục đường Nguyễn Huệ, cũng có một nghề khá thân thuộc gắn liền với thời gian và con người nơi đây, đó là nghề “sửa giày dép cũ”. Khu này ngày xưa đông người theo nghề sửa giày dép cũ. So về lượng khách, thì hiện nay đông hơn ngày trước nhờ kỹ thuật sửa chữa cũng đã có sự can thiệp của thiết bị, máy móc. Những người thợ ở đây cho biết, do hồi xưa người dân sở hữu giày, dép không nhiều, còn hiện nay chỉ tính riêng phụ nữ họ cũng phải sở hữu đến 5 - 6 đôi giày. Chỉ tính riêng trên 2 trục đường chính của phường Đức Nghĩa là Trần Phú và Nguyễn Huệ đã có hơn chục người làm những nghề truyền thống, xưa cũ. Đây cũng chính là những nghề đã nuôi sống nhiều hộ gia đình của địa phương.

Ông Huỳnh Văn Sâm – Phó Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa cho biết, hiện nay địa phương có nhiều nghề truyền thống lâu năm như: Sửa giày dép, sửa đồng hồ, cắt chìa khóa… Nghề cắt chìa khóa là một trong những nghề có thâm niên lâu nhất và cũng chỉ còn hơn 5 người làm. Đây là nghề đòi hỏi tính chính xác nhưng lại không có trường lớp nào dạy, việc học nghề cũng chỉ là người này truyền cho người kia, cha truyền con nối; bản thân người làm nghề cũng phải tự nghiên cứu tìm tòi các kỹ thuật để phù hợp với các loại khóa hiện đại. Những người làm nghề cắt chìa khóa còn sót lại cũng đã có từ 20 - 30 năm thâm niên, đây cũng là nghề nuôi sống họ và gia đình.

Xét về góc độ văn hóa, những nghề xưa cũ ở vỉa hè của phường Đức Nghĩa lâu nay đã trở thành một nét đặc trưng, một nét thú vị trong mắt khách du lịch, hay là những hoài niệm của những người lớn tuổi, một đoạn ký ức của những thế hệ sau này. Xét về mặt đô thị hiện đại, thì những người làm nghề này đã mấy chục năm như là một thứ tồn tại từ những ngày xưa cũ đầy thân thương. Nó là sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa hiện đại xen lẫn cổ điển…

MINH NGHĨA

Related articles
Giải pháp thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu
Bình Thuận nằm trong số các tỉnh, thành ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu (BĐKH), có tính dễ tổn thương cao bởi tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới; gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở, xâm nhập mặn khu vực ven biển. Buổi tập huấn tuyên truyền, phổ biến các hoạt động giám sát BĐKH do Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm giảm nhẹ tác động BĐKH, đưa ra các giải pháp thích ứng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thân thương những nghề xưa cũ