Thống kê mới nhất cho thấy số người thiệt mạng trong trận lũ quét, xảy ra ngày 29/10 tại khu vực Đông Nam của Tây Ban Nha đã lên tới ít nhất 95 người và con số này có thể còn tăng do nhiều khu vực chưa báo cáo thiệt hại, trong khi vẫn còn hàng chục người mất tích. Hiện lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha đang tích cực tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống bùn đất.
Mưa to và gió lớn đã tấn công Tây Ban Nha kể từ đầu tuần. Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy lượng mưa trong ngày 29/10 tương đương mưa trong vòng 1 tháng đã đổ xuống khắp miền Nam và miền Đông Tây Ban Nha bao gồm khu vực Valencia và Andalusia, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều đường phố, cuốn trôi ô tô, khiến nhiều đường sá bị phá hủy. Đây là trận mưa lũ tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ năm 1996.
Hậu quả của trận lũ lụt tại Valencia, Tây Ban Nha (Ảnh: Reuters)
Tây Ban Nha hôm qua đã thông báo quốc tang trong 3 ngày để tưởng niệm gần 100 nạn nhân thiệt mạng sau trận lũ quét nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua. Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe 6 đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định chính phủ nước này sẽ “không bỏ rơi” bất kỳ người dân nào. Ông kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác khi tình huống khẩn cấp vẫn tiếp diễn. Thủ tướng Sanchez cũng đã triệu tập cuộc họp Nội các khẩn cấp, trong đó khẳng định ưu tiên tuyệt đối là hỗ trợ người dân.
"Toàn thể Tây Ban Nha đang khóc. Ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi là giúp đỡ các bạn. Các cơ quan hành chính công đang làm việc, chúng tôi đang làm việc theo cách phối hợp để biến điều này thành hiện thực và chúng tôi sẽ cung cấp mọi phương tiện cần thiết hôm nay và ngày mai và trong thời gian cần thiết để chúng ta có thể phục hồi sau thảm kịch này. Chúng tôi sẽ không để các bạn đơn độc."
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Tây Ban Nha. Phát biểu với báo giới, bà von der Leyen cho biết Ủy ban châu Âu đã kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus để giúp điều phối các đội cứu hộ, cũng như đã đề nghị kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến thật là tàn khốc. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến các nạn nhân, gia đình và bạn bè của họ. Các đội cứu hộ đang làm việc không biết mệt mỏi để đưa càng nhiều người đến nơi an toàn càng tốt. Và Châu Âu sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi đã kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus để giúp điều phối các đội cứu hộ. Và chúng tôi đã đề nghị kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự để hỗ trợ Tây Ban Nha”.
Trước đó, nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ Tây Ban Nha đối phó với hậu quả của mưa lũ. Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã bày tỏ "tình đoàn kết" với toàn thể người dân Tây Ban Nha. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới người thân của các nạn nhân, đồng thời đề nghị giúp đỡ Tây Ban Nha đối phó với mưa lũ.
Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang trở nên thường xuyên hơn trên thế giới do biến đổi khí hậu. Tại châu Âu, do sự ấm lên của Địa Trung Hải đã làm tăng sự bốc hơi nước, đóng vai trò chính trong việc khiến mưa như trút nước trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Hannah Cloke, Giáo sư Thủy văn, Đại học Reading của Anh nhận xét:
"Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trận lũ quét hơn trong tương lai. Điều này có dấu vết của biến đổi khí hậu, những trận mưa lớn khủng khiếp và những trận lũ lụt tàn khốc này. Chúng ta phải giúp mọi người hiểu được mối nguy hiểm mà họ đang phải đối mặt.