Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024: Đưa hàng Việt về miền núi, hải đảo trên địa bàn Bình Thuận

30/09/2024, 05:10

Theo Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, Bộ Công Thương giao Bình Thuận phối hợp Ninh Thuận tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo tại hai tỉnh. Riêng trên địa bàn Bình Thuận, ngành Công Thương địa phương tổ chức thực hiện 1 phiên chợ hàng Việt về miền núi và 1 phiên chợ hàng Việt về hải đảo.

Chương trình được triển khai nhằm tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động cũng như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện cuộc vận động trong tình hình mới. Thông qua liên kết xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng khách hàng, người tiêu dùng. Từ đó hướng đến phục vụ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã phù hợp với thị trường khu vực miền núi, hải đảo và phát triển sản phẩm mới…

z5873101649861_981eb5e11bc4588c0270c7bc837226da.jpg
z5873144830369_e859c2ba7873c15aacfcf78f7b30829a.jpg
z5873101623259_ec0119883301b105869d44fd5f8dca36.jpg
Phiên chợ hàng Việt về hải đảo tại huyện Phú Quý diễn ra từ ngày 10 - 12/9/2024.

Triển khai chương trình tại Bình Thuận, Sở Công Thương vừa phối hợp Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cùng các địa phương, đơn vị liên quan xúc tiến thực hiện thành công 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo. Với phiên chợ hàng Việt về hải đảo tại huyện Phú Quý năm 2024 đã được tổ chức vào trung tuần tháng này (từ ngày 10 - 12/9) trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao trên địa bàn huyện đảo.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (trực thuộc Sở Công Thương Bình Thuận), phiên chợ tổ chức tại Phú Quý có 17 doanh nghiệp trong lẫn ngoài tỉnh đăng ký tham gia với 30 gian hàng. Hàng hóa được bày bán tại phiên chợ chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước, có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn huyện đảo. Kết quả: Phiên chợ thu hút khoảng 7.000 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh số bán hàng đạt hơn 800 triệu đồng, riêng về nội dung, công tác tổ chức thực hiện cũng như hiệu quả tham gia chương trình được các doanh nghiệp đánh giá cao (từ tốt đến rất tốt).

img_6705.jpg
z5877687173839_6a3440f7da699f6a461b69a6a27e51e2.jpg
z5877685976422_a1a97686c693d0d682bb7f58a173a74f.jpg
Người dân địa phương đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Bắc Bình năm 2024.

Còn mới đây, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Bắc Bình năm 2024 vừa diễn ra vào cuối tuần qua (từ ngày 27 - 29/9) tại Nhà Văn hóa xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Theo Ban tổ chức, phiên chợ lần này có 14 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với quy mô 30 gian hàng, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương ở các nhóm ngành hàng: Nước mắm, hải sản, giày dép, thực phẩm, nước giải khát, hóa mỹ phẩm… Trong đó có một số mặt hàng là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Thuận và các tỉnh, thành bạn.

Ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, Trưởng Ban tổ chức phiên chợ cho biết Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024 được triển khai thực hiện tại địa phương là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Nhất là trong tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tạo điều kiện cho người dân huyện Bắc Bình được tiếp cận các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng và có giá cả phù hợp với thu nhập của bà con nơi đây… Đến dự và phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Đức Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình kêu gọi người dân trên địa bàn huyện tham gia hưởng ứng mạnh mẽ phiên chợ nhằm thực hiện kích cầu tiêu dùng. Qua đó đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, khai thác tiềm năng thị trường tại Bắc Bình và góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân trên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc…

Trong khi đó, doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tiếp tại các phiên chợ hàng Việt xem hoạt động này là kênh quảng bá thương hiệu, sản phẩm rất hiệu quả với chi phí thấp. Ngoài ra đây còn là cơ hội tiếp cận để hiểu rõ nhu cầu khách hàng nhằm kịp thời nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm mới thích hợp, đáp ứng nhu cầu riêng của từng vùng, miền cũng như tìm kiếm đối tác mở rộng hệ thống phân phối sau khi kết thúc phiên chợ… Thế nên để thực hiện chương trình trong thời gian tới đem lại hiệu quả cao hơn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Thuận đề nghị doanh nghiệp đăng ký tham gia cần có kế hoạch mở các đại lý tiêu thụ sản phẩm ở thị trường một cách hợp lý. Nhất là thiết lập hệ thống phân phối bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước để tiếp tục nâng cao uy tín, thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường.

QUỐC TÍN

Related articles
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ: Góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ở địa phương
Tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năm nay ngành và đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024: Đưa hàng Việt về miền núi, hải đảo trên địa bàn Bình Thuận