Khó khăn trong giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy

23/09/2024, 05:05

Dù ngành chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Điều trị nghiện ma túy gắn với đào tạo nghề

Thành phố Phan Thiết là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Phan Thiết hiện có 18 đơn vị hành chính cấp xã với 14 phường và 4 xã. Nơi đây có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, thu hút nhiều lao động đến làm việc. Mỗi năm, Phan Thiết giải quyết việc làm cho hàng ngàn người, nhưng số người sau khi hoàn thành cai nghiện ma túy trở về địa phương có việc làm ổn định rất ít. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, các lực lượng chức năng của TP. Phan Thiết đã tập trung đấu tranh, triệt phá, bắt giữ, xử lý hàng trăm đối tượng nhưng đến nay, tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy được phát hiện ngày càng tăng; phương thức và thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm và người sử dụng ma túy có chiều hướng tăng.

day-nghe-dan-lat-cho-hoc-vien-cai-nghien-anh-n.-lan-7-.jpg
Dạy nghề đan lát cho học viên cai nghiện (ảnh N. Lân) 

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay trên địa bàn thành phố có 660 người nghiện ma túy, trong đó nghiện heroin 238 người, ma túy tổng hợp 347 người, cần sa 50 người, sử dụng nhiều loại 25 người. Qua rà soát, phần lớn số đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy cũng là các con nghiện. Nguồn cung cấp ma túy chủ yếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh do các đối tượng vận chuyển hoặc thông qua các dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách để vận chuyển về tiêu thụ, bán lẻ cho các con nghiện. Ma túy đối tượng sử dụng chủ yếu là cần sa, heroin và ma túy tổng hợp (methaphetamin). Thực tế qua đấu tranh cho thấy, việc mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy xảy ra ở tất cả các phường, xã trong thành phố, nhất là ở các khu dân cư ven biển và các phường trung tâm thành phố.

uong-methadone-anh-n.-lan-.jpg
Uống Methadone (ảnh N. Lân)

Song song với đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm và hành vi vi phạm trên lĩnh vực phòng chống ma túy, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tiếp tục được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã xây dựng nhiều hệ lụy giúp đỡ người sau cai nghiện, trọng tâm là kế hoạch về thực hiện Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”, Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường” trên địa bàn thành phố, kế hoạch về chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho người sau cai nghiện ma túy.

Từ năm 2018 đến nay, toàn thành phố có 165 người hoàn thành việc cai nghiện bắt buộc trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Việc quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú được địa phương phân công cho các tổ chức đoàn thể quản lý, theo dõi, tạo điều kiện giúp đỡ, bảo lãnh cho gia đình người nghiện được vay vốn hỗ trợ sản xuất, gắn với tạo việc làm cho người sau cai. Tuy nhiên, đa số các trường hợp sau cai nghiện về địa phương không muốn tìm việc làm. Đáng lưu ý, 65 trường hợp tiếp tục tái nghiện và địa phương phải lập hồ sơ đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc lần 2.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Theo UBND TP. Phan Thiết, bên cạnh ý kiến chủ quan của người đã hoàn thành cai nghiện ma túy, việc chương trình hỗ trợ vay vốn cho người sau cai nghiện ma túy chậm triển khai cũng khiến việc giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng rất khó khăn. Vì thế, để khắc phục tình trạng trên, thành phố cho rằng, cùng với những biện pháp đã thực hiện thì cần sớm triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn gắn với việc giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường tổ chức các lớp dạy nghề cho người nghiện ma túy trong thời gian người nghiện cai nghiện bắt buộc tại cơ sở điều trị, để khi trở về địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm.

Được biết, trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 1.225 người hoàn thành thời gian cai nghiện về nơi cư trú. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”, toàn tỉnh thành lập được 61 đội công tác xã hội tình nguyện để tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn, cảm hóa người sau cai nghiện và người nghiện ma túy đang quản lý tại cộng đồng. Kết quả, có 1.347 người nghiện ma túy được tiếp cận giúp đỡ, trong đó đã vận động được 69 người không còn sử dụng ma túy, vận động 264 người nghiện heroin điều trị bằng thuốc methadone. Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tổ chức dạy nghề cho 520 học viên. Các địa phương đã giới thiệu, tạo việc làm cho 112 người sau cai nghiện bằng nghề may công nghiệp, trồng cây cao su, hớt tóc, lái taxi, chăn nuôi, buôn bán nhỏ tại gia đình. Giúp đỡ hỗ trợ cho gia đình 56 người sau cai nghiện được vay vốn làm kinh tế với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Qua đó giúp người tham gia cai nghiện có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, rèn luyện bản thân làm lại cuộc đời, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh nỗ lực và kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc nên hiệu quả chưa cao. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đề ra biện pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để thực hiện. Từng địa phương phải bố trí kinh phí để đảm bảo phục vụ công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, lồng ghép các chương trình, đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào nội dung phòng, chống ma túy. Tuyên truyền những mô hình, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng để giúp người sau cai nghiện và gia đình nâng cao nhận thức trong việc học nghề, tìm việc làm, có thu nhập ổn định góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện.

Đồng thời, tổ chức tốt việc dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; tạo điều kiện để người sau cai nghiện được vay vốn, tự tạo việc làm. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm nhận người sau cai nghiện vào làm việc; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong hoạt động giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy. Phân loại, quản lý chặt chẽ người sau cai nghiện ma túy; kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu, gương hoàn lương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng…

TẤN THÀNH

Related articles
“Đòn bẩy” giải quyết việc làm cho người dân xã Hàm Trí
Từ một vùng đất khó khăn, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) đang vươn lên, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo và tạo việc làm cho người dân. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “trợ lực” quan trọng, khơi dậy ý chí và lòng quyết tâm thoát nghèo của những nông dân cần cù.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn trong giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy