Phòng, chống nguy cơ lây lan diện rộng dịch tả heo châu Phi

23/08/2024, 09:33

BTO-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải vừa có công văn đến một số sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP).

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị số 21/CT - TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh DTHCP. Tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin dịch bệnh tại các địa phương có mật độ chăn nuôi heo lớn, các địa phương giáp ranh với các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh DTHCP. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị để kịp thời ứng phó khi có bệnh DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện heo bệnh, heo chết có các triệu chứng của bệnh DTHCP.

c360611e-e89a-4958-8a02-a9985584fdae.jpeg
Đóng dấu kiểm dịch tại cơ sở giết mổ heo.

UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 đến các địa phương về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP. Các nội dung triển khai của UBND tỉnh Bình Thuận với mục đích chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả.

z4204394215166_c467d87c3c7148b98e87068d4ded0518.jpg
Chăn nuôi heo tại Bình Thuận.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh DTHCP tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An... gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện nay, bệnh DTHCP đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.

Tại Bình Thuận, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Đặc biệt không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm, một số bệnh truyền nhiễm khác xảy ra ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Tuy nhiên, bệnh DTHCP có xảy ra tại Trang trại heo Tân Long thuộc xã Tân Hà, huyện Hàm Tân (có 1 con heo bị chết vào ngày 20/6, dương tính với bệnh DTHCP, đã được tiêu hủy). Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị trang trại này thực hiện một số biện pháp phòng, chống DTHCP, đến nay dịch bệnh tại đây đã được kiểm soát.

K. HẰNG

Related articles
Tăng cường giám sát môi trường trang trại chăn nuôi quy mô lớn
Trang trại chăn nuôi heo Làng Việt Nam nằm giáp ranh 2 xã Hồng Sơn, Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc thường xuyên được Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) phối hợp sở ngành chức năng, địa phương giám sát, kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư trang trại là Công ty TNHH Làng Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu vực.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng, chống nguy cơ lây lan diện rộng dịch tả heo châu Phi