Phát triển khu công nghiệp tại Bình Thuận. Bài 2

22/08/2024, 03:28

Bài 2: Tín hiệu tích cực và lạc quan

Hầu hết khu công nghiệp (KCN) được hình thành trên địa bàn Bình Thuận đều hướng tới thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương với những tín hiệu tích cực và lạc quan…

Thúc đẩy kinh tế vươn lên

Hàng chục dự án thứ cấp trong các KCN tại địa phương sau khi đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh đã góp sức thúc đẩy công nghiệp địa phương nói riêng và kinh tế Bình Thuận không ngừng vươn lên.

sam_2500.jpg
img_5262.jpg
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Bình Thuận.

Thể hiện rõ là giá trị sản xuất công nghiệp ở giai đoạn 2006 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng hơn 214%, còn giai đoạn 2011 - 2015 có mức tăng xấp xỉ 149%, trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 30% và từ năm 2021 đến nay là 48,96%. Ngoài ra tại Bình Thuận, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án đầu tư trong KCN so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh cũng tăng đáng kể qua từng năm. Đáng ghi nhận, việc thu hút dự án hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến - chế tạo vào KCN đã cho thấy chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng số lượng lẫn quy mô, nhờ đó ảnh hưởng mạnh mẽ tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.

Thêm nữa, các dự án đầu tư tại KCN cũng thể hiện vai trò thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, góp phần gia tăng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Bình Thuận. Minh chứng là từ năm 2005 đến thời điểm này (tháng 8/2024), kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong các KCN ước đạt gần 1.420 triệu USD, tức bình quân mỗi năm đem về cho địa phương hơn 75 triệu USD/năm. Nếu tính riêng kim ngạch xuất khẩu của các KCN trong năm 2023 vừa qua thì đạt khoảng 270 triệu USD, còn nửa đầu năm 2024 ước đạt 130 triệu USD (tăng gần 15% so cùng kỳ). Qua theo dõi, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết hàng hóa của doanh nghiệp nơi đây chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Có thể kể đến một số mặt hàng chủ lực: Da giày, ba lô túi xách, may mặc, sản phẩm gỗ, giấy dính cao cấp, khoáng sản, hải sản, thực phẩm, hạt điều, thanh long, cấu kiện sắt, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, đinh vít các loại...

img_5330.jpg
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được doanh nghiệp trong KCN kỳ vọng có sự bứt phá vào thời gian tới (Ảnh minh họa).

Cũng nhờ hoạt động sản xuất - kinh doanh tương đối ổn định, các doanh nghiệp trong KCN đã tham gia đóng góp vào ngân sách địa phương ngày càng tăng thêm. Nếu như giai đoạn 2001 - 2005 chỉ đóng góp khoảng 61,19 tỷ đồng thì giai đoạn từ năm 2021 đến nay thực hiện ước đạt 635 tỷ đồng, chiếm 1,41% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh (không gồm dầu thô)... Thời gian qua, đơn vị quản lý còn ghi nhận số lượng lao động trực tiếp làm việc trong các KCN liên tục tăng từ hơn 2.500 lao động ở giai đoạn đầu và đến nay có khoảng 11.000 lao động.

Tiếp tục đầu tư phát triển

Sau dịch Covid-19, dù tình hình kinh tế nói chung vẫn còn khó khăn song không ít doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Bình Thuận luôn hướng về phía trước với nhiều kỳ vọng. Đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Trans Pacific (KCN Phan Thiết giai đoạn 2) khẳng định hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua là tương đối thuận lợi. Thế nên trong tháng 8/2024, Trans Pacific vừa khánh thành thêm kho lạnh và dây chuyền sản xuất mới có diện tích khoảng 3.910 m2 với sức chức 3.000 pallet (tương đương 2.000 tấn hàng). Đây là doanh nghiệp tham gia ở lĩnh vực chế biến - bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, hiện đang tạo việc làm ổn định cho 530 lao động. Công ty này cho biết đã nhận nhiều đơn hàng từ nay đến cuối năm 2025, do vậy sẽ đẩy mạnh quá trình nâng cao năng suất chế biến nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Mỹ Thạch - đại diện Công ty TNHH Quốc tế Right Rich (100% vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Hàm Kiệm II) thông tin qua hơn 10 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển được 5 nhà xưởng cùng các công trình phụ trợ khác. Hoạt động trên lĩnh vực sản xuất giày thể thao xuất khẩu với công suất đạt hơn 6.000.000 đôi/năm, đến nay Right Rich tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 3.200 lao động có tay nghề cao và chuyên nghiệp… Về quyết định triển khai dự án đầu tư, doanh nghiệp này cho rằng đã nhận thấy tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Bình Thuận. Nhất là hạ tầng KCN hoàn chỉnh và giao thông hiện nay rất thuận lợi, như tuyến đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào hoạt động góp phần rút ngắn khoảng cách từ công ty đến các kho, cảng tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận để cung cấp sản phẩm ra thị trường của hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Đi vào hoạt động gần 5 năm nay với số lượng lao động hiện có là 555 người, Công ty TNHH Zenpix Việt Nam (KCN Hàm Kiệm I) tập trung sản xuất và gia công các mặt hàng về vali, ba lô, túi xách dùng cho xuất khẩu. Qua kết quả doanh thu nửa đầu năm 2024 đạt trên 52 tỷ đồng (tăng hơn 50% so cùng kỳ năm ngoái), doanh nghiệp này dự kiến sắp tới mở rộng địa bàn tuyển dụng lao động, đào tạo tay nghề để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời nghiên cứu chuyển đổi một số quy trình công đoạn gia công sản xuất từ thủ công sang máy móc, bán tự động và tự động nhằm tăng năng suất lao động, phù hợp với xu hướng phát triển… Đón nhận tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ xuất khẩu Khải Hoàn (KCN Phan Thiết giai đoạn 1) cũng kỳ vọng tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ có sự bứt phá. Do vậy ngoài những thị trường truyền thống (Mỹ, Canada…) thì doanh nghiệp còn hướng đến thâm nhập thị trường Pháp thông qua hợp tác và một số thị trường thuộc EU nhằm đẩy mạnh lượng hàng hóa xuất khẩu trong thời gian tới đây.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, các doanh nghiệp trong KCN tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 10 - 15%, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12 - 14% và đóng góp ngân sách nhà nước tăng từ 11 - 12%... Mặt khác, phát triển KCN trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã xây dựng chuỗi liên kết ngành, lĩnh vực thông qua một số dự án hạt nhân như với ngành nguyên phụ liệu giày dép, chế biến - đóng gói trái thanh long, chế biến hải sản hoặc sản xuất cơ khí lắp ráp, chế biến titan (Zircon siêu mịn, xỉ titan, Pigment TiO2 ...)…

Bài 1: Ghi nhận bước tiến và sự trưởng thành

QUỐC TÍN

Related articles
Hội Nông dân tỉnh: Tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Thời gian qua, trong công tác Hội và phong trào nông dân hàng năm luôn được Hội Nông dân tỉnh chú trọng đến việc tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Để hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân hiểu và tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(0) Comments
Focus
A New Rising Star
BTO-Joao Fonseca, a tennis player ranked 145th in the ATP standings, has caused a stir in the global tennis community after winning the 2024 Next Gen ATP Finals with the lowest ranking among the players in the tournament. With a mature, intelligent, and powerful playing style, Joao promises to be a formidable opponent for Alcaraz and Sinner in the 2025 season.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển khu công nghiệp tại Bình Thuận. Bài 2