Buông lỏng quản lý nguồn khoáng sản sẽ bị thất thoát

08/08/2024, 05:07

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên ở một số nơi vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí còn buông lỏng làm thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Xử lý không có ngoại lệ, không có vùng cấm

Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan do một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Khoáng sản hoặc vì lợi ích cá nhân mà có hành vi khai thác khoáng sản trái phép, sai phép, không phép, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ngân sách nhà nước bị thất thu. Bên cạnh đó, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng, tình trạng khan hiếm nguồn cung về vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm, các công trình cấp quốc gia, cấp tỉnh ngày càng trầm trọng. Từ đó, những trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản không phép, vận chuyển, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ xảy ra trên địa bàn ngày càng phổ biến. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn, các công trình dân sinh cũng ngày càng nhiều khi nhu cầu nhà ở tăng. Do đó tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản diễn biến phức tạp. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản trái phép được xác định là các địa bàn như xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, khu vực giáp ranh giữa xã Gia An và xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, xã Tân Hà, huyện Đức Linh.

hnh-n.-lan-3-.jpg

Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản phối hợp, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Cơ quan điều tra cũng đã thụ lý theo thẩm quyền rất nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy đến các sở, ngành về việc xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, không có ngoại lệ, không vùng cấm và sẽ xử lý nghiêm các cán bộ có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, bao che vi phạm. Từ những kết quả chỉ đạo quyết liệt trên, tính đến đầu tháng 7/2024, toàn tỉnh đã xử lý 857 vụ khai thác, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản trái phép, tịch thu nhiều tang vật, phương tiện vi phạm, xử phạt tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Riêng tại huyện Hàm Tân, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố để điều tra 11 đối tượng liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Điều đáng nói ở đây là, trong số 11 đối tượng bị khởi tố liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép ở Hàm Tân có đến 3 cán bộ cấp xã bị khởi tố về hành vi buông lỏng trong quản lý về khoáng sản. Có thể nói, khai thác tài nguyên là một trong những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, nhất là trong việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực khoáng sản

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về tăng cường thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản. Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương và lực lượng công an các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, nhất là tại các vùng giáp ranh nhiều huyện. Các ngành chức năng và địa phương ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản được cấp phép, cần tham mưu cho tỉnh các biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Cùng với đó theo dõi, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dùng có tính chất phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản trái phép nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép. Quản lý đất đai chặt chẽ, có biện pháp ngăn chặn các trường hợp hộ gia đình, tổ chức, cá nhân lợi dung việc san ủi mặt bằng để khai thác, chế biến khoáng sản trái pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép, kịp thời chấn chỉnh, phê bình, xử lý theo quy định đối với các tổ chức, tập thể, công chức, viên chức và người lao động không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm theo nhiệm vụ phân công, để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

PHAN LIÊN

Related articles
Hành trình mùa “quả ngọt” của ông Thơm
Ở vùng cây ăn trái xã Sông Bình, huyện Bắc Bình nhắc đến ông Nguyễn Văn Thơm ở thôn Tân Hòa - một lão nông dạn dày kinh nghiệm ai cũng biết. Đặc biệt, ông đã thành công trong việc trồng cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP cho năng suất và chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buông lỏng quản lý nguồn khoáng sản sẽ bị thất thoát