Hôm qua phương tiện truyền thông đưa tin, Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ), Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức tiếp thu phóng hành thành công chiếc máy bay đầu tiên cất, hạ cánh trên sân bay Phan Thiết. Nhân dân Bình Thuận xem tin đã ngỡ ngàng và vui mừng hơn bao giờ hết vì sân bay - niềm mơ ước của nhân dân khởi công từ rất lâu. Với gần 10 năm, chậm tiến độ vì nhiều vướng mắc, từng có những suy đoán chủ quan rằng khó trở thành hiện thực. Cho đến nay những suy đoán ấy đã xóa tan, thay vào đó là niềm vui với dự cảm tốt lành, Bình Thuận sẽ cất cánh bay cao như NC - 212i khi sẽ có thêm đường hàng không rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền.
Ông Nguyễn Văn Lê, ở phường Phú Thủy khi đọc tin, “Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Phan Thiết” của tác giả Chu Văn Hiếu cười nói: Sân bay Phan Thiết là cảng hàng không cấp 4E với chức năng sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (cấp I), có hoạt động bay quốc tế. Nếu đi vào hoạt động sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng nhiều năm qua, chúng tôi theo dõi dự án, cứ nghe triển khai mà không thấy kết quả gì, chỉ toàn thấy báo chí đưa tin có nhiều vướng mắc nên có sự hoài nghi về sự thành công của dự án. Đến nay thì không còn gì để nói, nếu quân sự đi vào hoạt động thì không lâu nữa dân sự cũng sẽ hoạt động.
Đây thực sự là tin vui đối với Bình Thuận giữa bối cảnh cả tỉnh đang tổng kết công tác 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng thực hiện tốt những tháng còn lại của năm 2024. Đặc biệt, kỳ họp thứ 24 - HĐND tỉnh đang diễn ra tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Trước đó một ngày, tỉnh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Với kết quả đáng mừng, từ 12 chương trình tín dụng năm 2014, nay đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách. Trong giai đoạn 2014-2024, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân cho 299.988 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay đạt 9.004 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 4.877 tỷ đồng, tăng 189,7% và tổng dư nợ đạt 4.866,7 tỷ đồng, tăng 190,2% so với năm 2014. Nguồn vốn tín dụng xã hội đã giúp gần 30.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 37.000 lao động, hỗ trợ gần 19.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xây mới và cải tạo 273.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và xây dựng 711 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Những điều trên đã thể hiện Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, hướng tới phát triển bền vững toàn diện, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển, thụ hưởng phúc lợi xã hội và những thành quả của quá trình phát triển… Đây cũng là một trong những mục tiêu chung của Nghị quyết số 16 - NQ/TU của Tỉnh ủy (Khóa XIV) về lãnh đạo thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh vừa ký ban hành.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, trong đó xác định rõ đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia.
Việc hiện diện của NC - 212i trên sân bay Phan Thiết lúc này như tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Bình Thuận tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng. Tạo động lực hơn trong xây dựng Bình Thuận giàu, mạnh, văn minh trở thành cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng theo tinh thần Nghị quyết số 16.