Trong một bức thư gửi đến Ủy ban Châu Âu (EC) - cơ quan lập pháp của EU, 15 quốc gia kêu gọi Ủy ban cho biện pháp mới giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, bao gồm cả việc gửi người di cư đến nước thứ ba. Yêu cầu này được đưa ra khi EU đang xem xét thông qua lần cuối cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt các chính sách đối với người di cư và tị nạn.
Việc kêu gọi trên diễn ra chưa đầy 1 tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trên khắp 27 nước thành viên EU từ ngày 6 – 9/6.
15 quốc gia gồm: Áo, Bulgaria, Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Hy Lạp, Ý, Latvia, Lithuania, Malta, Hà Lan, Ba Lan và Romania đã ký vào thư. Trong đó, họ yêu cầu EC đưa ra những giải pháp mới để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp sang châu Âu. Với mong muốn EU thắt chặt Hiệp ước về tị nạn và di cư, trong đó đưa ra các giải pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và tìm cách trục xuất những người tị nạn bị từ chối đơn xin tị nạn.
Hiệp ước sẽ có hiệu lực từ năm 2026, gồm một bộ 10 công cụ (6 quy định, 3 khuyến nghị và 1 chỉ thị) được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát biên giới và tinh thần đoàn kết trong việc tiếp nhận người di cư trên đất châu Âu.
15 quốc gia cũng muốn cơ chế phát hiện và ngăn chặn các tàu chở người di cư và đưa họ “đến nơi an toàn được xác định trước ở một quốc gia đối tác bên ngoài EU, nơi có thể tìm ra các giải pháp lâu dài cho những người di cư đó”.
Họ cũng cho rằng việc gửi người tị nạn đến các nước thứ ba sẽ dễ dàng hơn, đồng thời xem thỏa thuận tranh cãi ký kết giữa Ý và Albania là mô hình.
EC cho biết, họ sẽ xem xét bức thư, mặc dù người phát ngôn của EC, ông Anitta Hipper nhấn mạnh, tất cả công việc của chúng tôi hiện nay là tập trung vào thực hiện Hiệp ước di cư và tị nạn.
Luật EU quy định, những người vào khối mà không có giấy tờ hợp pháp có thể được gửi đến một quốc gia bên ngoài EU, nơi họ có thể yêu cầu tị nạn - miễn là quốc gia đó được coi là an toàn và người nộp đơn có mối liên hệ thực sự với quốc gia đó.
Bà Camille Le Coz - Phó Giám đốc Viện Chính sách Di cư châu Âu cho biết: “Về mặt pháp lý, mô hình này rất khó huy động nguồn lực cũng như ở cấp độ hoạt động. Những đề xuất của 15 quốc gia sẽ được EC xem xét cân nhắc. Đồng thời bà cũng thông tin, các quốc gia thành viên nặng ký hơn như Pháp, Đức và Tây Ban Nha chưa ký vào bức thư.
Trong lúc, chính phủ sắp tới của Hà Lan do Đảng Tự do (PVV) theo đường lối cực hữu của chính trị gia Geert Wilders đặt mục tiêu theo đuổi các biện pháp hạn chế nhập cư bằng cách từ chối các quy tắc di cư của EU.
Ông Wilders đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cách đây gần 6 tháng và vừa đạt được thỏa thuận thành lập liên minh với 3 đối tác cánh hữu. Trong kế hoạch của chính phủ công bố mới đây, liên minh 4 Đảng cho biết, họ sẽ hướng tới “biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay” và các quy tắc khắc nghiệt hơn đối với những người xin tị nạn ở Hà Lan.
Ông Wilders cho biết, kế hoạch này sẽ khiến Hà Lan trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người xin tị nạn. Đồng thời nói thêm “người dân ở Châu Phi và Trung Đông sẽ bắt đầu nghĩ rằng họ có thể có cuộc sống tốt hơn ở những nơi khác”.