Cấp nước an toàn khu vực nông thôn

03/05/2024, 05:07

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2025-2029, Bình Thuận có 23 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Một trong những mục tiêu là cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.

Theo số liệu Bộ chỉ số tính đến cuối năm 2023, tổng số công trình cấp nước sạch tập trung (CTCNTT) nông thôn trên địa bàn tỉnh là 54 công trình, trong đó có 54/54 công trình hoạt động bền vững (đạt 100%). Các CTCNTT sau khi đầu tư đều giao cho các đơn vị chuyên ngành quản lý khai thác nên phát huy hiệu quả đầu tư, cung cấp nước ổn định. Trong thời gian tới, để xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, làm cơ sở chỉ đạo, giám sát các đơn vị cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn cho từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn giai đoạn 2025-2029.

z5332069946581_48525456aca315c63990407b7d766cfb.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng (ngoài cùng bên trái) trong chuyến kiểm tra tại Nhà máy nước Thuận Nam.

Mục tiêu của kế hoạch này nhằm thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn để phát hiện, phòng ngừa, giảm thiểu và loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước, hệ thống thu, xử lý, dự trữ nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng. Mặt khác phát hiện, phòng ngừa, giảm thiểu và loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cấp nước. Cụ thể, kế hoạch của UBND tỉnh đề ra, trong giai đoạn từ năm 2025 – 2029, đạt tỷ lệ 50% hệ thống (công trình) cấp nước sạch nông thôn tập trung có công suất từ 100 m3/ngày, đêm trở lên được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân là 15%, dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.

z5398045595670_6493dac16239f496a36687f103d4c137.jpg
Vận hành hệ thống cấp nước.

Về giải pháp thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, UBND tỉnh đã đề ra việc tổ chức lập, phê duyệt, thực hiện và kiểm tra, đánh giá về kế hoạch cấp nước an toàn đối với từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Đồng thời thực hiện quy trình kiểm soát và ứng phó trong trường hợp công trình cấp nước nông thôn tập trung gặp sự cố. Cùng với đó, bố trí huy động lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa. Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng công trình cấp nước tập trung nông thôn.

z5374633955478_79e096f9dd44412b65af7eb9cdace2fa.jpg
Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng khô hạn.

Quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước bằng các biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ chất lượng nguồn nước. Song song, xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác. Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt. Khuyến khích, ứng dụng tiến bộ khoa học trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất, quản lý, cung cấp nước sạch nông thôn bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố...

Theo UBND tỉnh, kinh phí thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn cấp tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc là đối với các đơn vị cấp nước có giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý: được tính vào giá thành sản xuất nước sạch theo quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (Thông tư số 44). Đối với các đơn vị cấp nước chưa có giá hoặc có giá chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý: Khẩn trương xây dựng, lập phương án giá nước sạch theo đúng quy định tại Thông tư số 44, hoàn chỉnh phương án giá theo quy định. Ngoài ra, kinh phí thực hiện kế hoạch còn được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác…

Theo UBND tỉnh, danh mục 23 công trình cấp nước (CTCN) sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025- 2029: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn là 10 công trình, gồm các CTCN Phú Long, Thuận Bắc, Lương Sơn, Mũi Né, Thiện Nghiệp, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Lạc Tánh, Võ Xu. 3 công trình thuộc Ban Quản lý công trình công cộng huyện Tuy Phong là các Nhà máy nước Tuy Phong, Vĩnh Hảo, Phan Dũng. 10 công trình thuộc Ban quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình là Trạm bơm nước Phan Thanh, Bình An, Hồ Cà Giây, Phan Rí Thành – Phan Hòa, Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Sông Lũy, Sông Bình, Bình Tân.

KIỀU HẰNG

Related articles
Đưa nước sạch đến vùng hạn Tà Mon
Đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận vừa phối hợp cùng Đoàn cơ sở Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận đã vận chuyển, hỗ trợ nước sinh hoạt cho bà con thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp nước an toàn khu vực nông thôn