Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

30/04/2024, 05:05

Ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử vô cùng trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải. Ngày này, đường phố rực rỡ cờ và hoa, lòng người dân mừng vui phơi phới… Vui ngày toàn thắng, mỗi người Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng lại trào dâng lòng thành kính, biết ơn và nhớ Bác khôn nguôi!

Tình cảm đặc biệt của Người dành cho miền Nam

Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành khi đó vừa tròn 21 tuổi đã ra đi tìm đường cứu nước. 10 năm bôn ba với khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”; 10 năm truyền bá con đường cách mạng vô sản về Việt Nam và thêm 15 năm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị lực lượng và điều kiện để khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Những năm sau đó, chính Người đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

b.jpg

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, miền Nam luôn trong tim của Người. Lịch sử ghi lại, năm 1952, Người kêu gọi và bày tỏ: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”. Năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đất nước lại bị chia cắt, Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta!”.

Vào năm 1956, Bác chúc mừng và khen đồng bào miền Nam: “Miền Nam yêu quý của chúng ta luôn xứng đáng là Thành đồng Tổ quốc!”. Năm 1962, Bác vui mừng được gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thǎm miền Bắc. Bác nhận quà quý của đồng bào miền Nam và đặt bàn tay lên ngực trái, rồi cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi!”. Năm 1963, Quốc hội quyết định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng, Bác đã cảm ơn Quốc hội và đề nghị cho phép chưa nhận phần thưởng cao quý, “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng”. Đặc biệt, Bác Hồ rất trân trọng tình cảm của người dân miền Nam đối với Bác. Cây vú sữa của miền Nam mà các cán bộ tập kết gửi ra miền Bắc được Bác Hồ trồng ngay cạnh ngôi nhà ở góc vườn Phủ Chủ tịch. Khi chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Người cho chuyển cây vú sữa về trồng cạnh nhà sàn để hằng ngày được chăm sóc và luôn cảm thấy gần đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Trong những năm cuối đời, Người luôn giữ một niềm tin sắt đá: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Và đúng như ý nguyện của Người, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng.

dsc_2891.jpg

Bình Thuận nguyện sống và làm theo Bác

Có lẽ, so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, Bình Thuận đã rất vinh dự và tự hào biết dường nào, khi “nơi này Bác đã đi qua”. Trước khi lên tàu đi tìm đường cứu nước, vào năm 1910, Bác đã dừng chân tại nơi đây để dạy học. 6 tháng Bác lưu lại nơi này, thời gian không dài nhưng trong lòng người dân Bình Thuận, Trường Dục Thanh – nơi có Bác vẫn luôn là điểm tựa, là niềm tin, là ánh đuốc soi đường trong hành trình xây dựng quê hương. Và cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày 30/4, mỗi người dân Bình Thuận lại càng tự hào nhớ về sự lãnh đạo tài ba, lỗi lạc của Người.

Bình Thuận hôm nay nguyện sống và làm theo Bác. Theo đó, những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc gắn kết chặt chẽ với các nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng và các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đã có rất nhiều đổi mới trong tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các chuyên đề học tập và làm theo Bác. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã xác định nhiệm vụ đột phá, xây dựng mô hình tiêu biểu sát với tình hình thực tiễn, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất; thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc học tập, làm theo và nêu gương bằng những việc làm cụ thể; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Nhờ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành công việc thường xuyên, nền nếp, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, khơi dậy khát vọng vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhấn mạnh: Qua các năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, triển khai thực hiện các chuyên đề đạt được những kết quả tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực, điển hình tiên tiến được nhân rộng. Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, rèn luyện đạo đức cách mạng trong sáng, phát huy tinh thần, ý thức, trách nhiệm của bản thân, đóng góp sức mình vào cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, triển khai thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05 ở tỉnh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao trong việc quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp.

Bác từng mong ước: “Bao giờ Nam - Bắc một nhà/ Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”. Giờ đây, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.…” vẫn luôn vang lên khắp mọi nẻo đường, như một bản hòa âm cộng hưởng niềm vui.

NGỌC DIỆP

Related articles
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng