Cung đèo “uốn mình” qua khu rừng già

11/04/2024, 05:19

Đèo Đại Ninh không phải là nơi cao nhất của núi rừng Phan Sơn, Phan Lâm, song đây là đỉnh của tuyến quốc lộ 28B nối liền 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, điểm đầu là thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, điểm cuối tiếp giáp với quốc lộ 20 thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), có chiều dài gần 70 km.

z5157192696149_7cdd3d4b85aff29f96269a6fd6e4baa0.jpg
Cung đèo Đại Ninh (Bắc Bình).
deo-dai-ninh-1-.jpg
z5322856301730_848c33440db9242589ebd80cbf5e3428.jpg
Khúc cua nguy hiểm.

Tuyến đường này được khởi công vào giữa năm 2003, sau 5 năm thi công tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ cho việc thi công công trình nhà máy thủy điện Đại Ninh. Tháng 3/2014 con đường Lương Sơn - Đại Ninh được chuyển thành quốc lộ 28B. Tuyến đường này có nhiều đèo dốc, cua ngặt, trong đó đèo Đại Ninh dài 12 cây số, nhiều đoạn quanh co, uốn lượn, dốc cao nguy hiểm nhất và đây cũng là cung đèo đẹp nhất ẩn hiện trong mây tại vùng núi cao Phan Sơn. Cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp với mục tiêu là hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải của hai tỉnh; tăng cường liên kết vùng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đông - tây kết nối khu vực Tây nguyên với các tỉnh miền Trung. Dự án có chiều dài 68 km, trong đó qua tỉnh Bình Thuận 51 km, qua tỉnh Lâm Đồng 17 km, bề rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 7 m với tổng mức đầu tư dự án 1.435 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự kiến thi công hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thiện, kết thúc trong năm 2026.

deo-dai-ninh-2-.jpg
z5322856286432_2b75af95098f98aac6544a771857c2b0.jpg
Đỉnh đèo Đại Ninh nơi dừng chân của du khách.

Từ khi có tuyến quốc lộ 28B, khách du lịch từ Lâm Đồng xuống Bình Thuận nghỉ dưỡng hoặc khách Bình Thuận đi tham quan, ngắm cảnh Đà Lạt đều qua đường đèo Đại Ninh. Dù mặt đường chưa đẹp, lòng đường chưa rộng, nhưng phong cảnh cung đèo Đại Ninh tựa như bức tranh thủy mặc, ít nơi nào có được. Nhất là mùa trở lạnh, lên đỉnh đèo Đại Ninh lữ khách cảm giác như đi trên mây là điểm dừng chân lý tưởng để lữ khách ngược, xuôi chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên thai, núi rừng trùng điệp, hùng vĩ.

Anh Nguyễn Hoàng Long, du khách từ Đà Lạt xuống Phan Thiết nghỉ dưỡng chia sẻ: “Đã nhiều lần qua đây, nhưng bây giờ tôi mới có dịp dừng chân trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ngắm nhìn và cảm nhận vẻ đẹp thiên thai, núi rừng trùng trùng, điệp điệp thật hùng vĩ. Xa xa những cánh rừng già xanh thẳm, nhấp nhô ẩn hiện trong dải mây trắng bồng bềnh như bông. 2 bên đường đèo bao cánh hoa dại lung linh đua nhau khoe sắc, thi thoảng xen những vườn cà phê nở bông trắng xóa… phong cảnh cung đèo Đại Ninh tựa như bức tranh khó tả hết bằng lời…”.

ĐÌNH HOÀ

Related articles
Khởi tranh giải “Bơi, chạy, trượt đồi cát” Bắc Bình - Bình Thuận mở rộng
Giải thể thao 3 môn phối hợp “Bơi, chạy, trượt đồi cát” Bắc Bình - Bình Thuận mở rộng lần thứ X năm 2024, sẽ diễn ra ngày 13/4.

(0) Comments
Focus
Tại sao Bình Thuận là nơi “đáng đến”?
Bình Thuận có nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch khác nhau như: Nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao biển, du lịch trải nghiệm ở các trang trại sản xuất nông nghiệp sạch - công nghệ cao, thưởng thức tại vườn những trái cây đặc sản vùng miền, du lịch tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống…
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cung đèo “uốn mình” qua khu rừng già