Phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi

04/04/2024, 05:16

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg. Mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.

Thu hút doanh nghiệp chế biến có quy mô lớn

Theo đó, đề án tập trung rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết chuỗi. Xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ Trung ương tới địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.

Cơ sở chăn nuôi của tỉnh còn nhỏ lẻ.

Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến. Kết nối chặt chẽ hệ thống cơ sở hạ tầng chế biến giữa người sản xuất, thu gom, chế biến với nhà phân phối sản phẩm chăn nuôi.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc từ các khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tổ chức có hiệu quả liên kết ngang trong các cơ sở chăn nuôi đảm bảo về số lượng và chất lượng chế biến. Kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh thú y, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... đáp ứng quy định của Việt Nam cũng như đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Toàn tỉnh có 262 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong ảnh: nuôi vịt bán công nghiệp)

Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi trọng điểm

Với thị trường trong nước, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương theo hướng bền vững; xây dựng hệ thống từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm chăn nuôi truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, bảo đảm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Với thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu và lên kế hoạch thực hiện phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi trọng điểm, quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực; tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... và các thị trường tiềm năng khác; phân tích, dự báo nhu cầu, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có thương hiệu làm căn cứ để định hướng phát triển.

Nuôi bò sữa.

Chủ động thực hiện các chương trình truyền thông nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đến các kênh phân phối của thị trường quốc tế; kịp thời nắm bắt những rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu bằng cách sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các nhà quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chăn nuôi đặc sản của Việt Nam.

Tại Bình Thuận ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Toàn tỉnh hiện có trên 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học; có 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và 1 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi trang trại quy mô lớn đã góp phần rất lớn làm tăng tổng sản lượng thịt hơi các loại và tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm của tỉnh. Có thể nói tình hình chăn nuôi của tỉnh tương đối ổn định và có xu hướng phát triển; tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2023 đạt 93.200 tấn/KH 88.500 (đạt 105,3% KH, tăng 8,9% so năm 2022). Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi quy mô theo hướng công nghiệp hiện đại. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với tỉnh nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.

Về trình độ công nghệ: Hiện nay, cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 - 30% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45 - 50% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ khoảng 32% giảm còn 20 - 25% vào năm 2025 và 5 - 10% vào năm 2030.

NHƯ NGUYỄN; ẢNH ĐÌNH HÒA

Related articles
Giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm một cách đồng bộ
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây truyền sang người vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi