Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở TN & MT phát biểu tại buổi họp cho hay, sở đã tham mưu ban hành các quyết định về công bố danh mục, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tự kiểm tra công tác cải cách TTHC theo cơ chế 1 cửa đối với 10 chi nhành văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Trong năm vừa qua, Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN & MT đã tiếp nhận 186.486 hồ sơ, đã giải quyết được 181.347 hồ sơ, còn lại 5.139 hồ sơ đang giải quyết. Tuy nhiên, trong kết quả giải quyết 181.347 hồ sơ vẫn còn một số thủ tục hành chính trễ hẹn còn cao. Công tác cải cách TTHC mặc dù đã có nhiều giải pháp triển khai để khắc phục việc hồ sơ TTHC trễ hẹn nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn lĩnh vực đất đai còn cao tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và cấp huyện. Sở tiếp tục chú trọng nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ viên chức; thực hiện luân chuyển vị trí giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai giữa các huyện, thị, thành phố, hạn chế tiêu cực phát sinh; nâng cao vai trò người đứng đầu các chi nhánh trong việc giải quyết hồ sơ, cấp GCN cho người dân. Cùng đó, Sở TN & MT tham mưu cấp thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực đất đai giao cho UBND cấp tỉnh quy định ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, tạo điều kiện cấp GCN cho dân. Sở cũng kiến nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư.
Đại diện các huyện thị thành phố góp ý tại cuộc họp cho rằng, thời gian qua, số lượng hồ sơ đất đai tăng nhiều, trong khi cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh chưa đồng bộ, hồ sơ phần nhiều chậm ở khâu đo đạc tại các chi nhành văn phòng đăng ký đất đai ở cấp huyện, trễ hẹn giải quết. Các huyện đề nghị hợp đồng đơn vị tư vấn đo đạc, chuyển chi nhánh văn phòng văn phòng đăng ký đất đai phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng nghị Sở TN & MT sớm hoàn thành Dự án tổng thể, các huyện hoàn thành kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 trình UBND phê duyệt, tạo điều kiện cấp GCN cho dân. Đồng thời áp dụng Nghị định số 12/CP xác định giá đất cụ thể cho các dự án trên địa bàn các huyện.
Phát biểu kết luận buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết, tỉnh vừa công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ sở thu hút đầu tư phát triển tiềm năng lợi thế địa phương. Năm nay, Bình Thuận lấy chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, cụ thể là cải thiện các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tình (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bởi các chỉ số trên của tỉnh những năm qua còn “khiêm tốn”.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo Sở TN & MT, UBND cấp huyện tăng cường cải cách hành chính lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp; hạn chế việc giải quyết trễ hẹn các hồ sơ thủ tục hành chính không có lý do chính đáng, khẩn trương xác định giá đất cụ thể đối với các dự án tồn đọng. Chú trọng nâng cao trách nhiệm, tinh thần thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, viên chức ngành TN & MT, chấm dứt tình trạng gây khó khăn, phiền hà với người dân; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; tạo sự hài lòng của họ khi làm thủ tục hồ sơ đất đai tại bộ phận 1 cửa cấp xã, cấp huyện, trung tâm hành chính công của tỉnh. Ngành TN & MT, cấp huyện cần thực hiện đúng thời hạn giải quyết ghi trong hồ sơ, hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hẹn, không có tiêu cực trong giải quyết hồ sơ đất đai. Trường hợp hồ sơ trễ hẹn cần quy trách nhiệm cho bộ phận nào, tìm hướng khắc phục, tạo quy trình giải quyết phù hợp cho người dân. Qua đó sẽ tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi làm hồ sơ đất đai tại các cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, áp dụng linh động trong việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến động đất đai đối với những hộ tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, kênh thủy lợi. Các địa phương khắc phục triệt để việc trả hồ sơ nhiều lần, gây phiền hà cho dân.
Các địa phương kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai vùng quy hoạch, đất đưa ra khỏi 3 loại rừng, xây dựng trái phép. Tại các địa phương, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính về đất đai, nâng cao hiệu quả công việc này, tạo sự hài lòng của người dân tại bộ phận 1 cửa; cần thay thế cán bộ viên chức có hành vi tiêu cực liên quan đến đất đai. Việc triển khai Luật Đất đai năm 2024, sở TN & MT tham mưu tỉnh các văn bản phù hợp theo hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành chức năng về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất cụ thể bồi thường cho các tổ chức, cá nhân; tính tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp thuê đất; thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.