“Năm tháng ấy, chiến trường này”

22/12/2023, 05:42

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi lần mở lại tập trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” của nhà thơ - nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh. Tác phẩm được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thuận Hải ấn hành năm 1989. Trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” viết về Đoàn vận tải H.50 Quân khu 6 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đôi nét về Đoàn H.50

Đoàn vận tải H.50 được thành lập vào tháng 4/1967 hoạt động đến ngày thống nhất đất nước. Đến cuối năm 1976, do yêu cầu nhiệm vụ mới, đơn vị giải thể. Đồng chí Văn Công An, nguyên Trợ lý Chính trị của Đoàn vận tải H.50, đã ghi lại trong tập sách “H.50 ngày ấy”: “Đoàn H.50 ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Cực Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên đang đòi hỏi về vũ khí đạn dược, là đơn vị đầu mối tiếp nhận mọi sự chi viện của Trung ương từ Bắc vào và của Trung ương Cục Miền Nam, vận tải hàng hóa trực tiếp đến chiến trường các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức để cấp phát cho những đơn vị trực tiếp chiến đấu…”.

nam-ay.jpg

Đồng chí Lê Văn Hiền, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, đã viết trong hồi ký: “Vùng đất kiên trung”: “Trong những tấm gương chịu đựng gian khổ trên chiến trường Khu 6, Đơn vị chuyển tải H.50 là một hình ảnh rất đẹp. Đơn vị này phần lớn là nữ, có nhiều anh chị em là người dân tộc thiểu số, với đôi vai và đôi chân, với phương tiện thô sơ, các đồng chí gùi và mang hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược… Chiến đấu bảo vệ các kho vũ khí, bảo vệ và đưa đón cán bộ, chiến sĩ an toàn, góp sức bảo vệ các buôn làng của đồng bào dân tộc. Chiến công của họ xứng đáng được ghi lại trong trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Khu 6”. Ngày 22/8/1998, Đoàn Vận tải H.50 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Về trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này”

Hành trình để có sự ra đời của “Năm tháng ấy, chiến trường này”. Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Liên Tâm đã viết trong chuyên luận “Trường ca viết về Bình Thuận”: “Miệt mài với những chuyến đi thực tế dài ngày về chiến trường ngày ấy như mật khu Lê Hồng Phong, vùng Bác Ái, Đa Kai…, miệt mài với những kho tư liệu, miệt mài gặp gỡ các cô gái, chàng trai ngày ấy của Đoàn H.50, Đỗ Quang Vinh đã dấn thân vào “Sự mê đắm lịch sử và văn chương” bằng thể loại trường ca đầy “gai góc”. Được sự động viên của văn nghệ sĩ đi trước và với lòng thành kính ghi ơn, anh đã hoàn thành bản trường ca, trân trọng viết về những con người góp phần vinh danh đất và người Bình Thuận anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Tác giả đã dành thời gian 3 năm tập trung cao độ cho tác phẩm, để đến năm 1989, trường ca được ra mắt độc giả.

Trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” được sắp xếp thành 4 chương. Chương một: “Phác thảo vùng đất chiến trường”, được chia thành 3 phần nhỏ, gồm 9 trang. Chương hai: “Buổi khai sinh”, 5 trang. Chương ba: “Chiến trường trên những đôi vai”, đây là chương dài nhất, 30 trang, được chia thành các phần nhỏ, với tên gọi “Phút tâm tư lên tiếng”, “Lấp lánh đời thường”, “Tản mạn dọc theo những cung đường”, “Một chút đặc tả”, “Những khúc ngoặt”. Chương bốn: “Tới ngày chiến thắng” với 9 trang, gồm các phần: “Không chỉ là lời tâm sự với rừng”, “Bồi hồi tận mặt”, “Vào trận mới”.

Vài nét cảm nhận

Với 53 trang thơ, trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” bao gồm những thể loại: lục bát, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, tự do… đan xen, rải đều trong các chương.

Điều bạn đọc dễ nhận ra, vần chân đã giữ cho sự kết nối các dòng thơ được liền mạch, giữ cho ý tưởng trường ca được mạch lạc, dễ dẫn dắt độc giả theo những lời tự sự, những cảm xúc của những nhân vật trữ tình theo từng chương, từng đoạn của “Năm tháng ấy, chiến trường này”.

Chậm rãi, để lòng mình lắng lại, bạn đọc mở từng trang của Trường ca, sẽ thấy bao điều mà tác giả- người đến sau, nhìn về những gì mà các anh chị Đoàn H.50 ngày trước đã nỗ lực cống hiến cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Chương hai đã có những dòng thơ: “Khi giã từ ruộng, rẫy vườn quê/ hành trang chỉ có tấm lòng yêu nước/ trong đoàn quân tiến nhanh về phía trước/ rừng xanh hơn nhờ những mái tóc dài”. Hình ảnh mái tóc dài mượt mà của những người con gái đã hiện diện giữa rừng xanh, làm đẹp thêm, tô điểm thêm cho thiên nhiên, dẫu những ngày lửa đạn.

Cùng đây nữa, sự gian khổ, sự hy sinh của những chiến sĩ Đoàn H.50 đã được diễn tả qua những hình ảnh: “Góp gió cực Nam làm bão lửa đầu thù/ H.50 trải lộ trình hàng mấy trăm cây số/ lắm hy sinh và chất chồng gian khổ/ máu, mồ hôi tuôn đổ những cung đường”.

Chương ba đã có rất nhiều đoạn, chất thơ thấm đẫm trong từng trang viết, tuy vẫn giữa không gian của rừng, vẫn giữa mùi thuốc súng của chiến trường: “Có cảm giác như đêm quá dài/ và rừng/ rừng hun hút sâu đến nỗi/ Đi hết đời mình/ rừng vẫn phía xa xôi”.

Nhà thơ của chúng ta thấu hiểu sâu sắc về ruộng đồng, về hương lúa, hương quê, để từ đây có những dòng thơ thật đẹp mang những cảm nhận chân thật về mùi của hương rừng dẫu chỉ thoáng trong những phút giây yên ả: “Chỉ thương gió mà thôi/ Gió cần mẫn mang hương đêm len lỏi đến với người/ dẫu đâu đây vẫn còn/ ngai ngái mùi thuốc súng/ đã nghe mùi lá mục/ đã nghe mùi đất ẩm/ và thoảng thôi, mùi hương dại bay lên”.

Sự khắc nghiệt của thời tiết, của khí hậu khô hạn ở Khu Lê làm dày thêm những gian nan, vất vả, khó nhọc mà các anh chị Đoàn H.50 phải nếm trải: “Ôi quê chị (có ở đâu như thế)/ Nước - quý - hơn - vàng/ Một giọt nước/ đổi bao nhiêu giọt máu/ hỏi có mấy Khu Lê/ trên chiến trường khu VI/ rừng Ô Rô/ tắm lửa/ tắm rung cây…/ Ta đi từ gian khó hôm nay/ thêm bền chí/ vững tin ngày chiến thắng”.

Đã có những trang thơ đặc tả những vất vả, gian nan, nhọc nhằn mà những chiến sĩ Đoàn H.50 phải chịu đựng khi thực hiện nhiệm vụ trong những ngày kháng chiến ác liệt: “Từ đường mòn cho tới đường be/ Khi lội suối, lúc qua khe/ qua bàu nước mênh mông đen lánh/ Người rã rời, hàng nặng cứ nặng thêm/ suốt mười mấy giờ liền/ bì bõm dầm trong nước/ mới lội hết chiều dài/ giật mình khi ngoái lại/ Mặt trận mong chờ như lửa đốt/ dám đâu xao nhãng phút giây nào…”.

Những dòng thơ ở cuối chương ba, nhân vật trữ tình đã nhắn nhủ với mọi người nhớ về những tháng ngày lửa đạn trên chiến trường Khu 6, nhớ về sự đóng góp công sức và cả xương máu của những chiến sĩ Đoàn H.50 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta: “Cái gì đã qua rồi, dễ quên/ nhưng dòng tên: tiểu đoàn H.50/ không một ai có quyền quên lãng/ năm tháng ấy/ chiến trường này/ lửa đạn/ không - được - xóa - nhòa/ và/ không - được - quyền -quên”.

Chương bốn của trường ca, tác giả viết tiếp những dòng hồi tưởng, đồng thời, gói những tình cảm đằm sâu của mình, cũng là nói hộ tiếng lòng của bao người, thể hiện qua những lời thơ dạt dào cảm xúc: “Mai sau nhớ về/ những năm tháng chiến tranh/ rừng ở mãi trong ta thành ký ức/ dòng tên H.50/ thắp giữa lòng chói rực/ soi rõ những bàn chân/ lội suối/ trèo đèo”.

Trường ca “Năm tháng ấy, chiến trường này” của nhà thơ - nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh ra mắt độc giả đã 34 năm. Quãng thời gian không ngắn cho một sự nhìn lại. Trường ca mang âm hưởng hào hùng, vừa tràn đầy những cung bậc cảm xúc, lại đậm chất văn chương. Mong sao, trường ca được dịp tái bản để các thế hệ sau có điều kiện tiếp cận, để nhớ về một đơn vị anh hùng đã từng có những năm tháng quý giá đóng góp công sức trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

MINH TRÍ

Related articles
Quê xưa biển Rạng, đất Bàu…
Kỳ 2: Đi tới tương lai…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Năm tháng ấy, chiến trường này”