Quang cảnh buổi lễ ra mắt Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân.
Ngày 19/12, tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Lễ ra mắt Chuyên trang “Mỗi xã một sản phẩm” (Chuyên trang OCOP) tại địa chỉ https://nhandan.vn/ocop/.
Tới dự Lễ ra mắt có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Cùng dự có các đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Đinh Như Hoan, Phan Văn Hùng; lãnh đạo các ban, vụ chuyên môn của Báo Nhân Dân; đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương; đại diện lãnh đạo chính quyền và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các chủ thể sản xuất OCOP từ gần 20 tỉnh, thành phố; các đơn vị đối tác đã cùng phối hợp Báo Nhân Dân trong việc xây dựng nên chuyên trang OCOP...
CHUYÊN TRANG OCOP: BÁM SÁT THỰC TẾ ĐỜI SỐNG SẢN XUẤT, KINH DOANH
Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết: Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn, bao gồm:
Một là, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường.
Ba là, phát huy nguồn lực cộng đồng như tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng.
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại sự kiện.
Theo đồng chí, chương trình OCOP đã trở thành chính sách trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp cả nước. Chương trình đã giúp nhiều địa phương khai thác được lợi thế gắn với đơn vị làng, xã để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật, dịch vụ du lịch ở mỗi miền quê Việt Nam, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương. Những kết quả, dấu ấn của Chương trình OCOP sau gần 3 năm triển khai cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đồng chí khẳng định: Đồng hành với Chương trình này ngay từ những ngày đầu, Báo Nhân Dân luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các ấn phẩm, góp phần lan tỏa các giá trị hết sức nhân văn của Chương trình. Báo Nhân Dân cũng đã thực hiện rất nhiều tin bài và cả những chuyên đề chuyên sâu về OCOP với nhiều sản phẩm báo chí đặc sắc.
Những năm gần đây, Báo Nhân Dân đã nỗ lực thực hiện Chiến lược chuyển đổi số, kết hợp thông tin, dữ liệu với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm báo chí đặc biệt có chiều sâu và sức lan tỏa lớn.
“Việc xây dựng và cho ra mắt 1 chuyên trang về Chương trình OCOP cũng nằm trong mục tiêu của báo Nhân Dân là kiên định định hướng, đồng hành, lan tỏa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tế đời sống sản xuất, kinh doanh, kịp thời phản ánh và gợi ý những giải pháp để phát triển bền vững”, đồng chí nhấn mạnh.
Giao diện trang chủ Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân.
Cũng theo đồng chí, chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân được thiết kế theo hướng thân thiện, hiện đại, dễ sử dụng, tiện tra cứu. Chuyên trang tập hợp thông tin dữ liệu đa dạng, chính thống về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của các địa phương.
"Chúng tôi mong muốn Chuyên trang trở thành nơi giới thiệu các cách làm hay, mô hình OCOP hiệu quả, một diễn đàn phản biện chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, gợi mở tiềm năng cho các địa phương hợp tác và phát triển các sản phẩm OCOP..., góp phần quảng bá, lan tỏa ý nghĩa của Chương trình OCOP đến cộng đồng, giúp bạn đọc có một góc nhìn mới mẻ về chương trình đầy ý nghĩa này", đồng chí nói.
CHUYÊN TRANG OCOP CỦA BÁO NHÂN DÂN CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Về kết cấu, chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân có 5 tiểu mục, bao gồm: Tin tức; sản phẩm; câu chuyện phát triển; Hỏi/đáp và Multimedia.
Về mặt thiết kế, Chuyên trang OCOP Báo Nhân Dân có hình thức giống như một trang quảng bá, kết nối nhiều chiều đối với sản phẩm nhiều hơn một trang thông tin, cung cấp cho người dùng một cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về sản phẩm OCOP. Các thông tin về sản phẩm này được bố trí theo cơ chế các tỉnh thành, vùng miền và các nhóm sản phẩm, xếp hạng sao, thuận lợi cho việc tìm kiếm của người dùng.
Về mặt tiện ích, thiết kế của Chuyên trang hướng tới phục vụ lợi ích tốt nhất cho người dùng, hỗ trợ trên tất cả các loại thiết bị để người dùng có thể tiếp cận một cách dễ dàng nhất.
Một trong những điểm mới ở Chuyên trang OCOP Báo Nhân Dân là khi xây dựng đã thiết kế ra hệ thống mà các cá nhân, chủ thể đều có thể chủ động nhập dữ liệu các sản phẩm OCOP của mình để gửi về tòa soạn thông qua hệ thống tài khoản định danh đăng ký trên trang báo Nhân Dân. Các địa phương, chủ thể có thể đăng ký với Báo Nhân Dân để đăng ký một tài khoản định danh hoàn toàn miễn phí để nhập liệu các sản phẩm OCOP của chủ thể và địa phương mình.
Đồng chí Lê Quốc Minh giới thiệu về những điểm nổi bật của Chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân.
Báo Nhân Dân còn liên kết Công ty Cổ phần Phygital Labs để hỗ trợ thí điểm gắn chip, định danh sản phẩm OCOP bằng giải pháp công nghệ Nomion, giúp độc giả có thể dễ dàng tiếp cận và tương tác với sản phẩm trên không gian số, qua đó hiểu hơn câu chuyện, thông tin và hình ảnh sản phẩm trực quan. Qua đó, góp phần lan tỏa văn hóa, sản phẩm Việt đến thị trường toàn cầu và tăng giá trị của sản phẩm, thương hiệu Việt.
Mục tiêu cao nhất của chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân là xây được một bản đồ các sản phẩm OCOP của cả Việt Nam.
Một trong những tính năng quan trọng, đó là sự kết nối với nhà cung cấp, nhà phân phối sản phẩm thông qua nền tảng xã hội Tiktok với mục tiêu hỗ trợ kênh bán hàng kinh doanh cho các sản phẩm OCOP. Với sự hợp tác của Tiktok Việt Nam, Chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân kỳ vọng sẽ là cầu nối đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá và tiêu thụ các sản các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
TẠO SỨC MẠNH THEO CẤP SỐ NHÂN CÙNG CHUNG TAY PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP
Chia sẻ tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao ý nghĩa của việc ra mắt chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân.
Đồng chí khẳng định, chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân đã thể hiện được tinh thần yêu nước. Đằng sau mỗi một sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao Chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân.
Theo Bộ trưởng, mỗi sản phẩm OCOP hướng tới “kích hoạt” sự năng động, “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, thông qua đó để đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.
Trong mỗi sản phẩm OCOP có tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa - yếu tố phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng, miền. “Ngày nay người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu bán cái hữu hình thì có giá để so sánh, nhưng sẽ không có cái giá nào để so sánh khi bán niềm tự hào của người dân, những giá trị văn hóa bản địa được lồng ghép tinh tế trong các sản phẩm OCOP.
Quang cảnh lễ khai trương Chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân.
Bộ trưởng nêu rõ, việc tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị và duy trì nó lại càng khó hơn. “Ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng, và sẽ không có điểm dừng cho việc phát triển các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm cần trau chuốt hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành với Báo Nhân Dân trên chặng đường thúc đẩy sản phẩm OCOP sắp tới, để từ đó lan tỏa giá trị của ngày càng nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa, “kích hoạt cả một cộng đồng hồi sinh, khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích cộng đồng đoàn kết với nhau, tạo ra sức mạnh theo cấp số nhân, cùng tham gia phát triển sản phẩm OCOP”.
CHUYÊN TRANG OCOP LÀ “MÓN QUÀ Ý NGHĨA” CHO NGƯỜI NÔNG DÂN
Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi lời chúc mừng; đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Báo Nhân Dân trong việc ra mắt chuyên trang OCOP.
Đồng chí khẳng định: Chuyên trang OCOP chính là món quà ý nghĩa của Báo Nhân Dân nói riêng, những người làm báo nói chung dành cho những nhà sản xuất và người nông dân trên chặng đường hội nhập. Chuyên trang OCOP cũng góp phần hưởng ứng và thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng những cách làm rất cụ thể.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi lời chúc mừng; đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Báo Nhân Dân trong việc ra mắt chuyên trang OCOP.
Đồng chí nhận định, thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí đã rất nỗ lực, tích cực tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuy nhiên chưa có nhiều đơn vị triển khai thành các chuyên trang, chuyên mục và chương trình cụ thể.
“Việc Báo Nhân Dân, một trong những cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam lập ra Chuyên trang Mỗi xã một sản phẩm hết sức có ý nghĩa. Đây cũng là niềm vui lớn cho những người làm báo, bạn đọc, nhà sản xuất và cả người tiêu dùng”, đồng chí nhấn mạnh.
Chuyên trang OCOP chính là món quà ý nghĩa của Báo Nhân Dân nói riêng, những người làm báo nói chung dành cho những nhà sản xuất và người nông dân trên chặng đường hội nhập.
Cụ thể, đồng chí cho rằng, với sự ra đời Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân, bạn đọc đã có thêm một chuyên trang bổ ích để hiểu hơn về các giá trị văn hóa đằng sau từng sản phẩm. Nhà sản xuất có được niềm vui, sự tự hào khi được đứng tên trên chuyên trang của tờ báo uy tín nhất Việt Nam. Đối với người tiêu dùng, chuyên trang là “địa chỉ uy tín” để họ tìm tới để trao đổi, giao dịch, mua bán cũng như giới thiệu sản phẩm.
Đồng chí bày tỏ mong muốn Báo Nhân Dân tiếp tục phát triển chuyên trang OCOP trở thành địa chỉ kết nối 3 nhà: Nhà báo-Nhà sản xuất-Nhà tiêu dùng để nhân lên sức mạnh; đồng thời đề nghị Báo nghiên cứu chuyển ngữ nhằm giới thiệu rộng rãi hơn nữa các sản phẩm, qua đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa của Việt Nam ra với bạn bè thế giới.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương luôn đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phát biểu tại sự kiện.
"Các sản phẩm OCOP luôn có sức hấp dẫn và thu hút đối với người tiêu dùng. Bộ Công thương đã xây dựng nhiều Bộ tiêu chí để hướng dẫn các địa phương thành lập các điểm bán hàng OCOP; đồng thời hỗ trợ kết nối, tổ chức kênh phân phối uy tín trong nước được người tiêu dùng tin cậy", bà Nga thông tin.
Bà Nga cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ, đồng thời ủng hộ sáng kiến rất có ý nghĩa của Báo Nhân Dân; mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Báo Nhân Dân để truyền thông, quảng bá cho hàng Việt Nam nói chung, các sản phẩm OCOP nói riêng; từ đó kết nối cung cầu, chỉ dẫn mua sắm cho người tiêu dùng.
ĐƯA SẢN PHẨM OCOP RA THẾ GIỚI BẰNG CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ
Chia sẻ tại Lễ ra mắt, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, nền tảng TikTok có mặt ở Việt Nam 4-5 năm, nhưng lĩnh vực thương mại điện tử mới triển khai từ 2022 và đang phát triển rất mạnh mỗi ngày. Trong đó, nội dung thương mại điện tử về sản phẩm OCOP nhằm kể câu chuyện và niềm tự hào của bản địa, mỗi vùng miền cũng rất phù hợp với TikTok.
Theo thống kê của TikTok, trước đây, mỗi ngày có khoảng 10 tỷ lượt người xem nhưng chưa có nội dung OCOP. Sau khi phối hợp để khởi động chương trình nội dung OCOP, tới nay, nền tảng này đã có gần 13 nghìn video nói về OCOP và hashtag #OCOP có tới 1,2 tỷ lượt xem.
Đại diện TikTok Việt Nam trình bày về các giải pháp hỗ trợ chủ thể OCOP để có thể mở rộng kênh phân phối và tiêu thụ.
Ngoài ra, TikTok phối hợp cùng các nhà sáng tạo nội dung về địa phương để tổ chức phiên livestream kéo dài 4-6 tiếng như một ngày hội, qua đó giới thiệu văn hóa, con người, đặc sản địa phương và đã có nhiều thành công.
Cũng theo ông Thanh, nhiều người chưa biết vùng nào có đặc sản nào, và chưa biết mua ở đâu. Thông qua chuyên trang của Báo Nhân Dân, TikTok mong muốn phát triển và phối hợp hơn nữa cùng Báo để người dân Việt Nam có thể dễ dàng tìm và thưởng thức đặc sản Việt Nam.
“TikTok vinh dự khi được cùng Báo Nhân Dân thực hiện chuyên trang chuyên nghiệp và kết nối những chủ thể OCOP và người mua hàng”, ông Thanh cho biết.
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia vào nền tảng Tiktok, chị Nguyễn Thị Tường Thảo, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, thông qua Tiktok, chị đã có hơn 90.000 đơn hàng bán ra, 5 triệu khách truy cập sản phẩm, 60 triệu lượt xem sản phẩm, hơn 10 tấn nông sản đến với tay khách hàng.
Ông Nguyễn Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Phygital Labs trình bày giải pháp công nghệ Nomion tại sự kiện.
Chia sẻ về giải pháp công nghệ Nomion gắn chip định danh độc bản, ông Nguyễn Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phygital Labs cho biết việc gắn chip lên sản phẩm OCOP giúp sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được thị trường thế giới; nâng tầm giá trị văn hóa Việt thông qua việc lan tỏa hồn cốt sản phẩm, từ đó giúp tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều.
Thông qua chương trình của Báo Nhân Dân, Phygital Labs đã thí điểm gắn chip thông tin lên sản phẩm gốm sứ, qua đó hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP một cách thuận tiện và dễ dàng hơn.
“Chip có mã hóa để định danh độc bản sản phẩm và người sáng tạo ra sản phẩm”, ông Nguyễn Huy nói, đồng thời cho biết ngoài sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gốm, công ty còn hợp tác gắn chip định danh cho các sản phẩm có giá trị bảo tồn trong bảo tàng như cổ vật Cung đình Huế...
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ chip độc bản, sản phẩm gốm Bát Tràng đã được nâng cao giá trị.
Tại buổi lễ, Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh giới thiệu về tinh hoa gốm Bát Tràng và giá trị đằng sau mỗi sản phẩm, cho rằng giải pháp công nghệ Nomion góp phần lan tỏa sản phẩm đến tất cả cộng đồng người Việt và vươn ra thế giới.
* Cũng tại sự kiện, đại diện các chủ thể OCOP đã chia sẻ những câu chuyện chung quanh sản phẩm của mình, đồng thời đánh giá cao và bày tỏ tin tưởng vào sự thành công của chuyên trang OCOP trên Báo Nhân Dân.