Khi cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái

15/12/2023, 05:50

Cha mẹ nào chẳng đặt tất cả kỳ vọng vào con của mình. Những gì cha mẹ chưa thực hiện được thường được đặt hy vọng vào những đứa con. Vậy con cái sẽ cảm thấy như thế nào khi bị/được cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào mình.

Phản kháng lại …

Đây là phản ứng thường thấy của con cái khi bị cha mẹ ép buộc phải thực hiện giấc mơ dang dở của mình. Một bà mẹ ngày xưa khao khát học múa mà không có điều kiện, nay đặt tất cả hy vọng vào con gái, đầu tư cho học múa với hy vọng con múa giỏi. Bà mẹ khác thì lại cho con đi học đàn vì mong muốn con mình biết một môn nghệ thuật nào đó. Có người thì cho con học vẽ vì học vẽ kích thích tư duy, mong con sẽ thông minh, học giỏi hơn…

conhoctap-40820-khanhhoa_gov_vn.jpg

Nói chung cha mẹ thường hay lấy sở thích của mình để áp đặt lên con cái, xem đó là một sự đầu tư đúng đắn. Dĩ nhiên khi bỏ công sức tiền của ra cho con đi học, cha mẹ nào chẳng mong con mình giỏi giang, thành tài. Nhưng có mấy ai hiểu được rằng muốn học tốt điều đầu tiên cần phải có là sự yêu thích, đam mê, sau nữa là năng khiếu. Nhất là các môn thiên về nghệ thuật. Có những đứa trẻ chẳng hề thích vẽ nhưng mẹ cứ khăng khăng bắt đi học vẽ. Thế là chúng lên lớp chỉ để làm hài lòng cha mẹ chứ học thì chẳng tiếp thu được là bao.

Có những đứa trẻ thì phản ứng gay gắt hơn, nhất quyết không chịu đi học môn mà mình thích. Thế là cha mẹ phải đánh, phải ép buộc đi học. Như môn tiếng Anh chẳng hạn. Cha mẹ nào cũng thừa biết rằng đầu tư tiếng Anh cho con là cần thiết nên ráng sắp xếp thời gian đưa đón, đầu tư tiền bạc cho con đi học, mong sau này con có tương lai tươi sáng hơn. Nhưng con cái thì đâu có hiểu được điều đó. Chúng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng môn mình không thích thì không học, nhất quyết không học.

Thế là cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái nổ ra. Cha mẹ thì làm đủ mọi cách từ nói ngọt đến đe dọa để bắt con phải tuân theo, đi thọc thêm tiếng Anh và khấp khởi chờ kết quả. Trong khi đó con cái lại chẳng thích học, tới trung tâm chẳng tập trung học. Thành ra cha mẹ tốn công sức tiền bạc mà kết quả thu được lại chẳng được gì. Thấy kết quả chẳng thay đổi, cha mẹ đổ lỗi cho trung tâm dạy không hiệu quả và đổi chỗ học cho con. Nhưng đổi vài lần mà kết quả cũng chẳng thay đổi. Thế là cha mẹ kết luận do con lười học và dùng biện pháp mạnh để trừng phạt.

Hoặc chấp nhận chịu áp lực

Không đứa con nào lại muốn làm cha mẹ thất vọng cả. Bởi vậy, sự quan tâm, đầu tư việc học của cha mẹ vô tình trở thành áp lực vô hình cho con cái. Bọn trẻ phải cố gắng nỗ lực học hành để làm vừa lòng cha mẹ. Khổ nỗi, con người không phải là rô bốt, không thể cái gì cũng biết như được lập trình sẵn được. Mỗi người đều có thế mạnh và điểm yếu riêng. Mỗi người chỉ học tốt được một số môn và một số môn học bình thường. Việc yêu cầu con phải giỏi đều các môn, ngay cả những môn không phải là thế mạnh của con là điều vô lý.

Cha mẹ luôn áp dụng phương pháp “con nhà người ta” với suy nghĩ so sánh như vậy thì con sẽ noi theo gương đó mà phấn đấu. Thật ra kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Con cái sẽ thấy vô cùng khó chịu khi cha mẹ luôn luôn so sánh mình với con nhà người ta. Nhiều khi con cái sẽ thất vọng khi cha mẹ không thể nhìn thấy những nỗ lực của mình. Những lời chê bai, so sánh gây tổn thương tới lòng tự trọng của con, khiến con nghĩ rằng cha mẹ chẳng hề yêu thương mình và giữ khoảng cách với cha mẹ.

Có những đứa con khi không đạt được kết quả như sự kỳ vọng của cha mẹ đã thất vọng với bản thân, tự trách mình, và có những trường hợp suy nghĩ tiêu cực, tự hủy hoại bản thân.

Làm sao để dung hòa giữa kỳ vọng của cha mẹ và mơ ước của con?

Mỗi con người đều có ước mơ riêng, đam mê riêng. Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng đặc biệt riêng. Cha mẹ cần tôn trọng sở thích của con cái. Cha mẹ phải hiểu được rằng con cái có cuộc đời riêng, tự chúng quyết định cuộc đời của mình, cha mẹ chỉ là người định hướng. Khi hiểu được như vậy cha mẹ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn trong việc dạy con. Không nhất thiết phải là học giỏi mới có tương lai tươi sáng. Điều quan trọng là rèn luyện con những đức tính tốt, những kỹ năng sống cần thiết để con tự thân vận động, tự giải quyết những vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta ai cũng biết rằng EQ quyết định sự thành công chứ không phải IQ như nhiều người lầm tưởng. Thái độ sống quyết định sự thành công của một con người. Vì vậy cha mẹ nên để cho con trải nghiệm cuộc sống, tự đối diện với khó khăn và giải quyết.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên để ý con từ khi còn nhỏ để phát hiện xem con mình “mạnh” về lĩnh vực gì. Từ đó định hướng cho con phát triển thế mạnh của mình. Khi con thích và có năng khiếu, việc tiếp thu kiến thức của con sẽ dễ dàng hơn. Có được sự định hướng đúng đắn của cha mẹ từ khi còn nhỏ, khi lớn lên con sẽ dễ dàng chọn được ngành học phù hợp, phát triển bản thân tốt hơn chứ không phải loay hoay tìm kiếm ngành học phù hợp. Thời nay, bất cứ ngành nghề nào cũng có thể làm giàu, chỉ cần bạn thật giỏi trong lĩnh vực đó. Nghề nào cũng tạo ra giá trị cho xã hội, không phải cứ là kỹ sư, bác sĩ mới là cao quý.

TRÚC VY

Related articles
Quá tải ở cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh
Mặc dù số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh lớn, nhưng chỉ có 1 cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt buộc ở tỉnh, dẫn đến quá tải nhiều năm. Cùng với đó, tình trạng cai nghiện ma túy ở cộng đồng chưa đạt hiệu quả, người nghiện vẫn đi ngoài đường, nên cử tri phường Đức Thắng (Phan Thiết) kiến nghị mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái