Quê xưa biển Rạng, đất Bàu…

15/12/2023, 05:25

Kỳ 1: Một thời mở đất…

Theo sử sách, từ sau thế kỷ XVII đoàn người “Ngũ Quảng lưu dân” theo chủ trương của chúa Nguyễn dong buồm vào Bình Thuận nói riêng và phương Nam nói chung khai hoang lập ấp. Trên đường đi, có những chiếc ghe tấp vào hai bên của một doi đất vươn ra phía biển mà sau này cái mũi đó được mang tên Mũi Né, hình thành nên hai bãi Trước, Sau thuận tiện cho ghe đậu tránh gió (sóng) theo hai mùa nam (nồm), bấc. Cái thuở ban đầu ấy cứ dựa theo thiên nhiên mà gọi tên thôn, tên xóm. Một bộ phận dân cư đi sâu vào rừng khai hoang mở đất bám vào các bàu nước tự nhiên để lấy nước sinh hoạt, đất thấp lập vườn rau, dừa, chuối, đất cao làm rẫy trỉa mè đậu, dưa khoai... mà hình thành nên thôn xóm gắn với tên gọi các bàu nước thiên nhiên. Chỉ tính riêng vùng xã Thiện Nghiệp ngày nay đã có tất cả 13 bàu lớn nhỏ: Bàu Me, Bàu Quéo, Bàu Tàng, Bàu Sen, Bàu Ghe, Bàu Điền, Bàu Nổi, Bàu Ron, Bàu Niệm, Bàu Chai, Bàu Dọn, Bàu Chát, Bàu Quy…

keo-luoi-rung-bien-rang.jpg
Kéo lưới rùng bãi Rạng. (Ảnh tư liệu)

Theo gia phả dòng họ và lời dặn của tổ tiên ông bà truyền lại cái thuở ban đầu ấy dân cư tập trung ở vùng Bàu Me trước vì đất ở đây trù phú nhất trong vùng, thế đất im tốt cho lập vườn dừa, vườn chuối và đặc biệt có một ít đất ruộng làm lúa với một màu xanh ngát nằm giữa một vùng rộng lớn đất rẫy cao khô. Tiêu biểu cho vùng đất Bàu Me này là cái xóm không biết tự thuở nào được mang tên xóm Điền Viên theo nghĩa ruộng vườn, gợi mở một cuộc sống yên lành, sum vầy, đoàn tụ. Còn tên gọi dân gian Bàu Me là bởi ở đây có một bàu nước lớn xung quanh mọc toàn cây me. Trải qua năm tháng khai thác đất đai, môi trường biến dạng và sự hủy hoại của chiến tranh, mấy chục năm trước còn sót lại một cây me cao vút, thân có đến hai người ôm không xuể, tiếc thay, ai đó đã chặt đốn cây me còn lại duy nhất này để lấy gỗ và hầm than.

Từ trung tâm Bàu Me mở con đường mòn ngược lên mới tới Bàu Ghe. Ở Bàu Ghe, giống như các cụm bàu khác, núi và bàu gắn kết với nhau, nước từ trên núi chảy xuống chân làm thành bàu, núi Bàu Ghe nghiêng bóng xuống Bàu Ghe, từ trên cao nhìn xuống giống như một chiếc ghe lớn lai bầu, mũi nhọn, tầm dài, khoang rộng nên dân gian đặt là Bàu Ghe. Xung quanh Bàu Ghe có nhiều bàu nhỏ khác, như Bàu Nổi do nằm trên một gò đất cao, Bàu Điền vuông vút như chữ Điền, Bàu Quy do ngọn núi đứng bên bàu giống hình con rùa và Bàu Niệm, Bàu Dọn, Bàu Chai nằm kề nhau có nước quanh năm song lớp trẻ bây giờ chưa cắt nghĩa được. Từ đây men theo những tầng núi thấp xuôi dần đến bờ biển Rạng ở hướng nam, những dòng suối nhỏ không tên vòng vèo theo chân núi, mé rừng đến đoạn Bàu Chát (nằm phía dưới Bàu Me) chảy xuống cầu Rạng ở km18 đường 706 (Nguyễn Đình Chiểu) tạo thành một thắng cảnh Suối Tiên với dòng nước mát dưới chân, những nhủ đất muôn hình muôn vẻ gợi lên hình ảnh thần tiên trên vách đất, là một điểm không thể thiếu cho du khách mỗi lần đến tham quan tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Cùng với khu trung tâm Bàu Me, Thiện Nghiệp còn có 2 khu dân cư tập trung từ xưa nay là khu vực Bàu Sen và khu vực Bàu Tàng. Từ Bàu Me rẽ trái đi qua là gặp Bàu Sen, từ đó đi thẳng ra là gặp Bàu Tàng. Gọi là Bàu Sen vì thuở trước mặt bàu mọc đầy sen, một ngọn núi nhô lên trên nền trời cũng được gọi núi Bàu Sen. Còn ngọn núi Bàu Tàng đứng bên bàu nước với những lùm cây đứng xa nhìn như những tàng lọng thiên nhiên cắm xuống nên gọi Bàu Tàng. Bây giờ Bàu Sen không còn sen mà chuyển qua nuôi cá nước ngọt, là một điểm thích thú cho nhiều bạn trẻ tới thả câu, ngồi ngắm ngọn núi Bàu Sen nghiêng mình soi bóng nước lăn tăn gợn sóng, và các đàn chim quen thuộc cò trắng, két xanh, chim mè, chim cu… bay về, bay đi ríu rít. Còn Bàu Tàng xưa nay vẫn nổi tiếng về mãng cầu dai trên đất cát pha: vỏ mỏng, hột ít, cơm dày, vị ngọt…

Trở lại với thuở ban đầu quy dân lập ấp, sau một thời gian định cư, một bộ phận dân cư Bàu Me mới tỏa xuống khai thác vùng biển Rạng. Đó là vùng từ bãi Trước (Mũi Né) đi xuống tạo thành một vòng cung biển lại gặp một mũi nhỏ nhô ra được gọi tên Mũi Đá bởi nơi ấy có nhiều tảng đá, bãi biển thì được gọi tên bãi Rạng bởi ngoài khơi cách bờ khoảng 2 hải lý có 3 cụm đá ngầm nằm sâu dưới đáy tạo thành những hang hóc của một vùng rạn/rạng biển, nhiều loài hải sản tụ về sinh sôi nảy nở quanh năm. Từ vùng đất mũi và rạng ấy, những cây dừa với bộ rễ dày bám vào những mạch nước ngầm ngọt lịm từ trong những động cát nhỉ ra, những chiếc thúng chai cùng những giàn lưới rùng vươn ra biển, để ngày ngày trong những ngôi nhà lá ấm hơi lửa bếp.

Thời nhà Nguyễn lập địa bạ, vùng đất ven biển này có đường cái quan đi qua được đặt tên làng Thiện Khánh (Hàm Tiến ngày nay) nơi đặt trạm Thuận Tỉnh (dân gian gọi là xóm Trạm). Theo gia phả của tộc họ Mai mà anh Mai Hoàng Nhẫn nguyên giáo viên Trường trung học cơ sở Hàm Tiến là cháu đời thứ tư lưu giữ thì ông sơ anh là một người họ Mai được giao làm Trường Trạm; còn vùng đất rộng lớn dân cư hình thành theo các bàu nước thì thuộc làng Thiện Nghiệp. Trước năm 1945 cả 2 làng này thuộc hạt Mũi Né, tổng Thạch An, phủ Hàm Thuận. Trải qua trăm năm “dâu bể” và bom đạn chiến tranh, nhà thờ Tiền hiền làng Thiện Nghiệp được xây dựng ở khu vực trung tâm Bàu Me đã bị hư hại, sau ngày giải phóng bà con tu bổ lại trên nền đất cũ làm nơi thờ phụng thành hoàng và các bậc tiền hiền đã có công khai hoang lập ấp, hiện bà con còn giữ được 12 sắc phong của triều Nguyễn kể từ thời Tự Đức thứ 5 (Tự Đức Ngũ Niên). Còn nhà Tiền hiền làng Thiện Khánh ở ven biển nên được nhân dân giữ gìn, tôn tạo với cơ sở thờ tự khang trang nằm giữa rừng dừa xanh xứ Rạng. Song Tiền hiền làng Thiện Nghiệp là nơi nguồn cội nên hàng năm vào ngày 18 tháng hai âm lịch các gia đình ở Rạng, cả Mũi Né và các vùng Bàu, cùng với các gia đình đi làm ăn, sinh sống ở xa đều về Bàu Me dự lễ tế cầu an (tế Xuân) và cúng giỗ Tiền hiền.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, bước sang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làng Thiện Khánh xưa được đặt tên xã Quang Cảnh. Đó là tên của một người con quê hương xứ Rạng, gọi đầy đủ họ tên: Hồ Quang Cảnh. Hồ Quang Cảnh là con trai của cụ Hồ Sĩ Lâm, quê Nghệ An, là nhân sĩ yêu nước thời Duy Tân vào Bình Thuận làm thầy thuốc bắc tại làng biển Rạng. Năm 1926, Hồ Quang Cảnh tốt nghiệp Trường tiểu học Pháp - Việt Phan Thiết, ông vào Sài Gòn làm công nhân ga xe lửa, mùa xuân năm 1930 vào Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1931 nhân dịp nghỉ hè về lại Rạng mở lớp dạy tư và gieo mầm cách mạng ở quê nhà, năm 1933 ông hy sinh ở nhà tù Ban Mê Thuột. Hiện nay, một con đường tráng nhựa từ ngã 3 Rạng (706-Nguyễn Đình Chiểu) vào Bàu Me, Bàu Sen (xã Thiện Nghiệp) dài 7.500 mét, rộng 6 mét được đặt tên ông và ngôi trường phổ thông cơ sở của xã cũng mang tên Hồ Quang Cảnh.

Còn làng Thiện Nghiệp gắn với chiến khu Lê Hồng Phong nên vô cùng ác liệt, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ. Còn nhớ những năm đầu thập niên 1960, chính quyền Sài Gòn ra sức xây dựng hệ thống ấp chiến lược, tại vùng đất này phía biển có ấp Rạng và ấp Bà La, còn phía rừng có ấp Giồng Thầy Ba. Khu đất rộng có tên là Giồng Thầy Ba có từ thuở trước là do có một ông thầy thứ ba tên thật là Huỳnh Liên, quê quán Bình Định là nhà nho gia giỏi chữ và giỏi thuốc đã đứng ra quy tụ bà con vào đây khai khẩn làm ăn. Thầy Ba được dân mến phục ở lòng đức độ, dạy chữ thánh hiền và chữa bệnh cứu người, lâu ngày chầy tháng bà con mới gọi tên đất là “Giồng Thầy Ba”. Đứng ở điểm giồng cao này, nhìn thấy bờ biển Rạng ở phía nam, núi Bàu Me ở phía đông, núi Bàu Sen ở phía tây, núi Bàu Tàng ở phía bắc. Tháng 8/1962, địch càn quét dồn dân Bàu Tàng, Bàu Me, Bàu Sen vào ấp chiến lược Giồng Thầy Ba. Tháng 5/1965, ấp Giồng Thầy Ba được phá rã, ngót 5.000 đồng bào nổi dậy bung về đất cũ, địch gom một số đồng bào còn lại xuống ấp Rạng và ấp Bà La nằm sát biển. Tên gọi ấp Bà La là từ tên gọi xóm Bà La, đó là một xóm biển nằm cuối bãi Rạng giáp đến bãi Trước của Mũi Né với câu chuyện kể còn truyền lại. Thuở trước ở xóm có một bà già tính tình ngay thẳng, bộc trực, thấy có người làm điều sai trái, bà đều lớn tiếng rầy la, bất kể người đó là ai, nghèo khó hay sang giàu, con cháu trong nhà hay người dưng ngoài ngõ… Tiếng rầy la của bà vang vọng khắp xóm, từ đó không biết từ thuở nào người ta gọi xóm là xóm Bà La và con dốc trước khi vào Mũi Né là dốc Bà La (!?).

Sau ngày 30/4/1975, chỉ trong vòng một thời gian ngắn người dân ở Bà La đã rời bỏ ấp, tháo dỡ nhà cửa, chuyển đồ đạt vật dụng về lại làng quê cũ. Bấy giờ xã Thiện Khánh có tên là Hồng Hải và xã Thiện Nghiệp có tên là Hồng Tiến, thuộc huyện Thuận Phong. Tháng 10/1975, huyện Thuận Phong được sáp nhập vào huyện Hàm Thuận và đến tháng 11 sáp nhập 2 xã Hồng Hải và Hồng Tiến thành lập xã Hàm Tiến. Từ đây xã Hàm Tiến là đơn vị hành chánh cấp xã thuộc huyện Hàm Thuận. Đến năm 1983, xã Hàm Tiến được giao về trực thuộc thị xã Phan Thiết. Song tên gọi đã đi vào văn hóa dân gian, người ở ven biển người ta gọi là dân Rạng, còn ở sâu trong đất rẫy thì được gọi dân Bàu…

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN

Related articles
Đổi mới, khơi dậy cảm hứng đọc sách
“Gần 3.000 độc giả đến với Thư viện tỉnh tham gia các hoạt động trong 3 ngày tổ chức Ngày hội văn hóa đọc năm 2023, chưa kể số lượng học sinh tham gia tại các chuyến xe Thư viện lưu động ở trường học, đây là con số ấn tượng, cho thấy hoạt động văn hóa đọc vẫn có nhiều sức hút đối với bạn đọc”. Giám đốc Thư viện tỉnh Trần Văn Bé đánh giá như vậy, sau chuỗi hoạt động Ngày hội văn hóa đọc có chủ đề “Sách cho tôi, cho bạn” tại Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quê xưa biển Rạng, đất Bàu…