Nghe thế, tôi sướng rơn, dù chưa biết có hợp khẩu vị họ hay không, nhưng đủ thấy con cá nhỏ xíu có đường chỉ màu vàng chạy dọc sống lưng đã làm nên đặc sản cho vùng biển quê mình. Cá liệt dầu nơi nào cũng có, nhưng cá đánh bắt ở vùng biển Tuy Phong lại đặc biệt thơm ngon hơn. Nhiều người bảo, cá liệt dầu là một sản phẩm tuyệt vời mà đại dương đã ban tặng cho Tuy Phong, nhất là vùng biển Bình Thạnh. Có lẽ vì biển Bình Thuận là một trong những vùng biển hiếm hoi trên thế giới có vùng nước trồi. Theo “Hiện tượng nước trồi trên vùng biển Việt Nam” của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ghi nhận, biển Bình Thuận có vùng nước trồi hiếm là bởi hội tụ đầy đủ các tác động của gió mùa tây nam, chế độ dòng chảy, địa hình bờ và đáy biển, sự phân tầng nước biển, mà những vùng biển ở tỉnh khác không thể có. Vùng nước trồi này có nhiệt độ thấp, nước trong và mang nhiều chất dinh dưỡng từ đáy biển lên, làm vùng biển Bình Thuận rất mát mẻ vào mùa hè. Nước trồi mát mẻ và giàu dưỡng chất cũng giúp cho nhiều sinh vật phát triển, làm vùng biển Bình Thuận có nguồn lợi thủy sản dồi dào với nhiều loài thủy sản quý hiếm, tươi ngon, có giá trị kinh tế cao, trong đó không thể không nhắc đến cá liệt dầu. Bên cạnh ưu thế vùng nước trồi, theo giải thích của những người dân sống lâu năm ở Tuy Phong, có lẽ nhờ có các gành đá quanh mũi La Gàn, mà cá liệt dầu nơi đây thịt ngon, ngọt, khó nơi nào sánh bằng.
Cá liệt có rất nhiều loại như: liệt búa, liệt nhớt, liệt bầu, liệt ngang, liệt móm... Tùy từng loại mà cá liệt có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như: nấu canh, kho, chiên, nướng... đều thơm và nhiều hương vị. Trong đó, cá liệt dầu là loại có giá trị kinh tế cao nhất, nó được coi là đặc sản vì có hương vị thơm ngon, số lượng ít, không phải dễ tìm. Cá liệt dầu được đánh bắt gần bờ, là loài cá nhỏ, con to nhất cũng chỉ khoảng lòng bàn tay người lớn. Thịt của loài cá này có thể gọi là cực phẩm: trắng, dai, thơm, vị ngọt không lẫn vào đâu được. Ở hầu hết các địa phương có biển đều có thể đánh lưới loại cá này, nhưng không hiểu sao, ai từng đi Tuy Phong thưởng thức liệt dầu nơi đây rồi, thì ăn ở những chỗ khác không ngon bằng.
Cá liệt dầu (nhiều nơi còn gọi là liệt chỉ) chế biến được nhiều món. Đơn giản nhất là nấu phớt với cà chua và thơm chín, thêm hành ngò, ngổ, tiêu cay cay. Dân xứ biển, chỉ cần nồi canh phớt cá liệt nóng hổi, dĩa nước mắm ớt thơm ngon là đảm bảo hao cơm, nhất là vào những tháng cuối năm, trời se se lạnh. Đặc biệt, một món được chế biến từ cá liệt nữa, mà ai ai cũng xuýt xoa khi thưởng thức là cá liệt dầu nướng tươi trên lửa than hồng. Từng con cá được trở đều trên chiếc vỉ, mỡ chảy cá chín vàng thơm ngậy mũi. Nướng từ xa thôi, nhưng hương thơm đặc biệt của loài cá này đã phảng phất tới tận bàn, khiến những ai đang đói phải “nuốt nước bọt” nhiều lần. Cá nướng xong bày ra đĩa, ăn kèm với mắm me, kẹp rau sống thì ngon “vô đối”. Đây cũng được xem là đặc sản về ẩm thực của vùng Tuy Phong nắng gió, mà khiến bao người lỡ vấn vương. Còn 1 món nữa mà dân xứ biển rất thường chế biến trong bữa cơm hàng ngày là cá liệt dầu kho keo, phải kho thật keo và cay mới ngon nhé. Nhắc tới thôi, mà tôi phải “ực ực”, đi kiếm mua ngay, bởi lỡ mê cực phẩm quê mình.
Theo những ngư dân ở Tuy Phong, cá liệt xuất hiện nhiều từ tháng 9 âm lịch đến mùa Tết Nguyên đán. Do cá liệt được dân du lịch ở các tỉnh, thành “thương nhớ” mỗi khi ghé thăm Tuy Phong, nên hầu hết các quán ăn, nhà hàng đều gom cá liệt dầu trữ đông, phục vụ lượng lớn khách những dịp lễ, tết. Và tất nhiên, giá cá liệt dầu cũng không hề rẻ, nên vào những tháng cuối năm, dân địa phương thường hay thay thế cá liệt thành cá đục đen cho đỡ thèm, cũng là một trong những đặc sản khó cưỡng nơi đây. Đặc sản này và những món hải sản dân dã khác cũng là một thế mạnh của địa phương, khiến du khách quay trở lại Tuy Phong nhiều lần chỉ để thưởng thức cho đỡ nhớ nhung. Nhờ thế, ngành du lịch Tuy Phong những năm gần đây tăng trưởng ổn định, lượng khách đến tham quan chùa Cổ Thạch, bãi đá 7 màu, cung đường Tà Năng – Phan Dũng hay khám phá Cù Lao Câu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, để du lịch Tuy Phong phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn, huyện cần có chiến lược dài hơi, trong đó nên chú trọng sản phẩm du lịch, đặc biệt là ẩm thực vùng miền; thực hiện liên kết hình thành tour, tuyến với các điểm du lịch khác ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận... Song song đó, đẩy mạnh công tác quảng bá về cảnh đẹp, con người nơi đây, để mỗi du khách ghé đến Tuy Phong, không chỉ ấn tượng vẻ đẹp thiên nhiên với biển xanh nắng vàng, những bãi sỏi đá màu sắc kỳ thú, không gian quang đãng thanh tịnh nơi Cổ Thạch… mà hấp dẫn nhất vẫn là cá liệt dầu ngon, ngọt đến khó tin.