Tóc huyền trong những khúc tình ca

24/11/2023, 05:15

Đã từ rất lâu, tình ca Việt chiếm nhiều cảm tình người hâm mộ. Giữa rất nhiều những tình khúc làm say lòng người, đã có những bài ca nổi tiếng thấp thoáng những dáng hình mái tóc.

Tóc huyền của tuổi xuân

Tuổi xuân của đời người, thể hiện rõ qua mái tóc. Với nhạc sĩ Văn Phụng, mái tóc của người con gái như một dòng suối dịu êm, để người nhạc sĩ đi tìm: “Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi/ Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai”. Dòng suối tóc ấy, êm ái, thiên nhiên khó sánh bì (Suối tóc).

Nhạc phẩm Gái xuân, nhạc: Từ Vũ, lời thơ: Nguyễn Bính, đã có sự diễn tả rất đẹp, đầy chất thơ, thật lãng mạn về mái tóc xanh của cô gái tuổi xuân thì: “Đôi tám xuân đi trên mái tóc”.

images.jpg
Ảnh minh họa.

Ở một ca khúc khác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, “Đường xưa lối cũ”, mái tóc xanh của người con gái đã thấp thoáng trong những lời ca: “Đường xưa lối cũ, có em tôi tóc xanh bay mơ màng”.

Còn đây nữa, mái tóc của người con gái tuổi mười bảy đã đi vào ca khúc Hoa tím ngày xưa của nhạc sĩ Hữu Xuân: “Tuổi em vừa tròn mười bảy/ Tóc em vừa chớm ngang vai”. Nghe lại những tình khúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác, khán thính giả nhận ra rằng: Người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta đã đưa rất nhiều hình ảnh, những cảm nhận rất khác nhau của mình về những mái tóc của những người con gái vào trong những sáng tác của ông: Gọi tên bốn mùa (“Ôi! Tóc em dài đêm thần thoại”), Tuổi đá buồn (“Đóa hoa hồng cài lên tóc mây”, “Trời còn làm mây, mây trôi lang thang/ Sợi tóc em bồng, trôi nhanh trôi nhanh”), Ru ta ngậm ngùi (“Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên”), Nhìn những mùa thu đi (“Gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè/ Và gió hôn tóc thề, rồi mùa thu bay đi”), Như cánh vạc bay (“Gió sẽ mừng vì tóc em bay/ cho mây hờn ngủ quên trên vai”), Chiếc lá thu phai (“Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài”), Còn tuổi nào cho em (“Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”), Nắng thủy tinh (“Lùa nắng cho buồn vào tóc em”)…

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đã viết nhiều ca khúc nói về những mái tóc của người con gái. Mái tóc mây mượt mà, khơi những mạch nguồn cho lời thơ, ý nhạc đã xuất hiện trong tình khúc Giáng ngọc: “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa/ Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm”, cùng bản tình ca Tháng sáu trời mưa: “Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân”.

Mái tóc của người con gái đã có lúc được nhìn như đồng lúa xanh, đầy sức sống, tươi đẹp, mượt mà. Ca khúc Tình quê hương (Nhạc: Đan Thọ, lời: Phan Lạc Tuyên) có những lời thơ: “Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa/ Nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ/ Quê em nghèo, cát trắng, tóc em lúa vừa xanh”.

Thời gian trôi qua theo mái tóc

Theo quy luật của đời người, tóc mây, tóc huyền của những ngày thơ trẻ rồi cũng đổi màu theo năm tháng. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết những ca từ chân chất, mộc mạc mà lại rất cảm động về mái tóc đã phai màu của mẹ trong ca khúc Mừng tuổi mẹ: “Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng mẹ bay/ Như gió như mây bay qua đời con/ Như gió, như mây bay qua thời gian”. Mái tóc của người mẹ già đã được nhạc sĩ Tuấn Khanh diễn tả trong một khúc ca xuân với bao niềm vui, ước vọng. “Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa/ Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá” (Mùa xuân đầu tiên).

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đã viết về mái tóc của ngày chẳng còn thơ: “Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu” (Bản tình cuối). Ở nhạc phẩm Cát bụi tình xa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã viết những lời ca mang những chiêm nghiệm về đời người: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi”.

Những chuyện tình đọng lại

Có lẽ, do mái tóc gắn bó thật mật thiết với đời người, những câu chuyện về làn tóc, về tình yêu ẩn sau ấy mãi vẫn đầy thi vị.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác tình khúc Tóc mây với những ca từ thật đẹp, thật lãng mạn, cùng giai điệu thật mượt mà, mang nhiều cung bậc cảm xúc: “Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn/ Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa/ Ôi tóc mây thơm mê say lạ thường/ Tình ta xanh ngát tóc mây không già”. Ở Tình khúc thứ nhất, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng đã viết về những lời yêu, mong tình yêu ấy đến với những con người ngày hãy còn xuân sắc: “Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây/ Lúc mắt chưa nhạt phai, lúc tóc chưa đổi thay”.

Có những câu chuyện tình buồn của những con người đi qua đời nhau, với những cơn mưa để lại những kỷ niệm, những nỗi đau muộn màng: “Em nhớ có mùa thu mây giăng lối/ Cơn mưa buồn tóc rối ướt bờ môi” (Nỗi đau muộn màng – Ngô Thụy Miên).

Cùng đây, dòng tóc của người yêu chảy xuống giữa lòng chàng trai, ngày mới yêu người, nụ tình si còn e ấp: “Tóc em xõa xuống đôi bờ vai nhỏ/ Dòng thác nào cuộn chảy giữa lòng tôi” (Cây điệp vàng – nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, lời thơ: Nguyễn Thái Dương).

Anh khách lạ, khó quên phố núi đầy sương, từ mái tóc mềm của người con gái: “Xin cảm ơn thành phố có em/ Xin cảm ơn một mái tóc mềm” (Còn chút gì để nhớ - nhạc: Phạm Duy – lời thơ: Vũ Hữu Định).

Hà Nội với những con phố, những hàng cây, hương hoa, những người yêu nhau chờ nhau dưới những cơn mưa, cùng bao kỷ niệm làm xao xuyến lòng người: “Em ơi, Hà Nội phố/… Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm” (Em ơi! Hà Nội phố - nhạc: Phú Quang, thơ: Phan Vũ).

Cùng bao bài hát khác, mà ở đó, mái tóc với nhiều dáng hình, đổi thay theo thời gian, dưới những cảm nhận rất riêng của những người nhạc sĩ cùng những nhà thơ.

Tóc mây một thuở, rồi bạc mái đầu. Giữ được tình yêu son sắt, dẫu thời gian có lướt nhanh vẫn là mong ước của bao người. Thấp thoáng trong những khúc tình ca, mái tóc, dẫu có ra sao của ngày hiện tại, vẫn có thể kể lại những câu chuyện tình yêu của những con người đã từng có những ngày tháng hoa niên.

KHẢI MINH

Related articles
Nét văn hóa đặc sắc của người Chăm Bắc Bình
Nằm ở phía bắc của tỉnh, Bắc Bình là miền đất có đầy đủ núi đồi, biển cả, sa mạc nhưng nét chủ đạo vẫn là đồng bằng lúa nước. Nơi đây có hơn 40.000 đồng bào Chăm sinh sống lâu đời trong đó có người Chăm theo đạo Hồi (Bà ni) và Chăm theo đạo Bà la môn.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tóc huyền trong những khúc tình ca