Tôn tạo, sửa chữa di tích văn hóa lăng ông

03/10/2023, 07:55

Lăng Ông Nam Hải thuộc xã Bình Thạnh (Tuy Phong) được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của UBND tỉnh Bình Thuận. Hiện nay nhiều hạng mục công trình lăng Ông Nam Hải đã bị xuống cấp.

Người dân địa phương lo lắng thiếu nơi tế lễ. Vì vậy, để bảo tồn những giá trị văn hóa mang tính vật chất, tinh thần ấy và có nơi cho người dân, du khách thờ phụng, tế lễ hàng năm, tháng 8/2023 Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lăng Ông Nam Hải, xã Bình Thạnh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự án là 2.496,9 triệu đồng từ ngồn vốn xổ số kiến thiết. Quy mô tôn tạo, sửa chữa công trình bao gồm: Chánh điện có diện tích 65,34 m²; trung lăng diện tích 52,65 m²; bái lăng diện tích 64,08 m²; võ ca diện tích 63,84 m²; bình phong diện tích 30,71 m²; đồng thời, cấp điện, phòng cháy chữa cháy; xử lý chống mối mọt cho toàn bộ công trình. Việc đầu tư các hạng mục công trình nhằm tôn tạo, sửa chữa di tích văn hóa lăng Ông khang trang, tôn nghiêm để có nơi người dân đến thắp hương thờ phụng và thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

lang-ong.jpg

Lăng Ông Nam Hải được xây dựng từ đời vua Minh Mạng (1820-1840), tọa lạc dưới chân đồi cát di động sát bên bờ biển, nên hàng năm người trong làng phải thường xuyên nạo vét cát để tránh nguy cơ bị phả lấp. Tuy nhiên, do tính chất ác liệt của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ nên người dân Bình Thạnh phải sơ tán đi nơi khác trong một thời gian dài, không ai trông nom, bảo quản lăng. Vì thế, lăng Ông Nam Hải đã bị vùi sâu trong cát hàng chục năm trời. Đến năm 1991, người dân địa phương mới có điều kiện dịch chuyển hàng ngàn khối cát, trùng tu, sửa chữa lại lăng. Lăng được trùng tu trên quy mô lớn gồm khu chánh điện, tiền sảnh và võ ca. Công trình được trải rộng trên diện tích 1.500 m2, cả tường thành và tường lăng được xây bằng nhiều chủng loại đá núi, san hô dày đến 1,2m. Lăng Ông không thờ tượng, chỉ thờ hài cốt. Việc trang trí nội thất lăng tạo cảm giác trang nghiêm, lộng lẫy, trong đó màu vàng tượng trưng cho đất là gốc của vạn vật. Hoa văn chạm khắc đắp nổi hình rồng. Từ khi tạo lập đến nay, lăng Ông Nam Hải đã tiếp nhận và an táng hàng chục cá voi lụy trôi dạt vào bờ ở khu vực trước lăng. Sau khi an táng từ 2 – 3 năm, ngư dân địa phương thực hiện nghi lễ thượng ngọc cốt theo tập tục để đưa vào lăng thờ phụng. Hiện lăng còn lưu giữ bộ xương cốt cá Ông lụy đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX và cũng chính là ngài lớn nhất. Hàng năm, tại lăng Ông Nam Hải diễn ra một kỳ lễ hội chính vào ngày 15 – 16 tháng 6 âm lịch gọi là lễ cầu ngư chính mùa hay lễ vía Ông Nam Hải. Người dân dự lễ hội cầu cho trời êm, biển lặng, mưa thuận gió hòa, cá đầy khoang.

Lăng Ông Nam Hải ở Bình Thạnh nằm trong quần thể kiến trúc cổ xưa nên hàng ngày rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến thưởng thức vẻ đẹp lối kiến trúc cổ, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của lăng. Mặc dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhưng hiện nay lăng Ông Nam Hải vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa, đặc sắc nhất là quần thể kiến trúc cung đình mà không phải nơi nào cũng có được. Lăng Ông là sự thể hiện lòng biết ơn của con người đối với sự ưu ái của biển cả và ngưỡng mộ quyền uy của Ông Nam Hải.

N.H

Related articles
Tôi về thương lấy quê tôi !
Bất cứ ai sống trên cõi đời này cũng có một dòng sông quê để nhớ, để yêu, để hoài bão, ước mơ và khát vọng. Ai cũng có xứ sở, quê hương yêu dấu của mình – Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người (thơ Đỗ Trung Quân).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôn tạo, sửa chữa di tích văn hóa lăng ông