Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Tận dụng tiềm năng và lợi thế của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ, thời gian qua dù còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành công nghiệp Bình Thuận cũng cho thấy bước chuyển mình tích cực…
Tín hiệu khởi sắc
Mới đây vào cuối tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 2 - giai đoạn 1, tỉnh Bình Thuận. Đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Sài Gòn thực hiện dự án này tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân với quy mô sử dụng đất gần 470 ha (bao gồm cả phần đất hạ tầng kỹ thuật)… Còn trong tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ là Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ. Với tổng vốn đầu tư hơn 31.430 tỷ đồng, dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ được xem là lớn nhất cả nước cho tới thời điểm hiện tại, khi hoàn thành sẽ đáp ứng cơ sở hạ tầng quan trọng cho nhập khẩu và cung cấp LNG tại Việt Nam. Ngoài ra, dự án này còn hỗ trợ trong việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch và bền vững, góp phần giảm tác động môi trường cũng như đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Cũng trong năm 2023, các KCN Bình Thuận tiếp tục thu hút thêm một số dự án quy mô như: Nhà máy sản xuất nhôm AME, dự án chế biến xỉ titan Sông Bình có tổng vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng và 3,6 triệu USD. Tính đến nay, Bình Thuận có 6 KCN đã hoàn thiện đi vào hoạt động, hiện thu hút gần 90 dự án thứ cấp (có 28 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng và hàng trăm triệu USD. Song song đó, tại địa phương cũng xúc tiến khởi công xây dựng KCN Sơn Mỹ I (diện tích 1.070 ha) vào cuối tháng 8 năm ngoái, chuẩn bị khởi công xây dựng hạ tầng KCN Tân Đức (diện tích 300 ha) vào thời gian tới… Với cụm công nghiệp, hiện toàn tỉnh đã thành lập 27 cụm và bố trí hơn 170 dự án đầu tư, riêng địa bàn Đức Linh đang trở thành “điểm sáng” thu hút vào các cụm công nghiệp cũng như góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong đó, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam (thuộc Cụm công nghiệp Nam Hà - xã Đông Hà, huyện Đức Linh) đã xây dựng hoàn thành nhà máy chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu, dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Theo đó trong giai đoạn 1, nhà máy có nhu cầu tuyển dụng khoảng 7.000 lao động, khi đầu tư mở rộng giai đoạn 2 với thêm nhiều nhà máy sẽ tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Theo Sở Công Thương thì trong những năm gần đây, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp Bình Thuận chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là trên lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt công nghiệp sản xuất - phân phối điện thể hiện mức tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành hoạt động hiệu quả nhất và là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương. Được biết hiện tại, Bình Thuận có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW, bao gồm: 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (tổng công suất 4.284 MW), 7 nhà máy thủy điện (tổng công suất 819,5 MW), 9 nhà máy điện gió (tổng công suất xấp xỉ 300 MW), 26 nhà máy điện mặt trời (tổng công suất hơn 1.110 MW), 1 nhà máy điện diesel huyện đảo Phú Quý (công suất 10 MW). Cùng với hệ thống lưới điện (500 kV, 220 kV, 110 kV, trung thế và hạ thế) được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Và nhờ đó, Bình Thuận không những đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…
Điểm đến công nghiệp
Bên cạnh tiềm năng phát triển công nghiệp thì việc sở hữu vị trí chiến lược là cửa ngõ quan trọng trong liên kết vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và duyên hải miền Trung cũng tạo điều kiện cho Bình Thuận hấp dẫn nhà đầu tư khắp nơi. Nhất là với tuyến đường bộ cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo vừa đưa vào khai thác đã giúp kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thuận lợi hơn.
Từ bước chuyển mình tích cực, Bình Thuận được xem là một trong những điểm đến công nghiệp mới và đang tạo ra sức hút “kéo” nhà đầu tư đến tìm hiểu, hướng tới xúc tiến các dự án quy mô nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ. Như gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp Đoàn công tác của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Bộ Xây dựng) do ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc dẫn đầu đến làm việc tại Bình Thuận. Đây là đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, quản lý và vận hành các khu công nghiệp ở Việt Nam. Đến Bình Thuận lần này, Tổng Công ty Viglacera - CTCP mong muốn được đầu tư kết cấu hạ tầng một khu công nghiệp có quy mô diện tích khoảng 500 ha trên địa bàn tỉnh…
Giữa năm 2023, Đoàn khảo sát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (thuộc Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã đến Bình Thuận để tìm hiểu môi trường đầu tư. Tham gia cùng Đoàn còn có đại diện lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài (Singapore, Malaysia, Ấn Độ) tại Việt Nam, Thương vụ trực thuộc Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh và một số tập đoàn trong nước. Qua trao đổi, Đoàn khảo sát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của địa phương và cho biết nhà đầu tư FDI lẫn doanh nghiệp trong nước đều có nhu cầu đăng ký thực hiện dự án về đầu tư nhà máy đốt rác phát điện, sản xuất năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng khu - cụm công nghiệp… Còn tại Hội thảo giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn Bình Thuận diễn ra cách đây vài tháng, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lạc quan trong thu hút dự án công nghiệp ở địa phương khi mà “điểm nghẽn” về giao thông đối ngoại hiện cơ bản đã được khơi thông. Thêm vào đó với dư địa phát triển công nghiệp, Bình Thuận có thể chủ động lựa chọn được những ngành, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi dự án đầu tư. Chẳng hạn như lĩnh vực ứng dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ cao, thân thiện môi trường hướng đến phát triển công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ phần mềm và trí tuệ nhân tạo phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Về phía địa phương luôn thể hiện sự coi trọng và thấu hiểu đối tác, sẵn sàng chào đón cũng như cam kết tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp để từng bước đưa Bình Thuận trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng, trong đó có lĩnh vực công nghiệp.
Nghị quyết số 09 (ban hành ngày 31/12/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nêu rõ quan điểm chỉ đạo. Đó là: Phát triển công nghiệp của tỉnh hiện đại, bền vững, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, từng bước tạo ra hệ sinh thái công nghiệp bền vững… Ngoài ra cũng chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, công nghiệp vật liệu mới...