Bên cạnh những khoản tiền bắt buộc phải chi như quần áo, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập, cha mẹ học sinh cũng phải chuẩn bị một khoản tiền không hề nhỏ gọi chung là tiền trường.
Tiền trường thì có rất nhiều khoản. Có khoản phụ huynh phải đóng theo hình thức bắt buộc, có khoản được đóng theo hình thức tự nguyện, lại có những khoản nhà trường không được phép thu.
Nhà trường được phép thu những khoản phí nào vào đầu năm học?
Đầu tiên là khoản tiền học phí được thu theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
Thứ hai là tiền “Bảo hiểm y tế” học sinh, đây là bảo hiểm bắt buộc, căn cứ vào Khoản 21, Điều 12, Luật BHYT 2008 sửa đổi năm 2012 điểm đ, khoản 1, Điều 7 và điểm c, khoản 1, Điều 8, Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Nhà trường chỉ đóng vai trò thu hộ cho phía Bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, căn cứ theo Điều 9, Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT.
Thứ tư, tiền ấn phẩm trong đó có phù hiệu, giấy vở kiểm tra…
Tiền phục vụ bán trú đối với những trường học tổ chức bán trú. Đó là tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú…
Tiền học 2 buổi/ngày hoặc ôn tập kiến thức cho học sinh trong nhà trường. Việc học 2 buổi/ngày (cấp tiểu học thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2006) và ôn tập kiến thức trong nhà trường phải được sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, căn cứ vào Điều 7, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền thu như thế nào?
Thông tư 55 quy định rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh có kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, kinh phí này chỉ được huy động từ cha mẹ học sinh theo nguyên tắc:
1. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:
a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
b) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
Những khoản Ban đại diện cha mẹ không được phép thu
Khoản 4, Điều 10, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, bao gồm:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; Bảo vệ an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Băn khoăn khoản tiền vệ sinh trường
Thông tư 55 quy định rõ một trong những khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học và gia đình người học là tiền vệ sinh trường. Tuy nhiên, ở các trường học hiện nay (cả 3 cấp học là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) trong cả nước đều phải vận động phụ huynh ủng hộ khoản tiền này.
Mức ủng hộ cũng tùy thuộc vào mỗi địa phương. Nếu như ở nhiều nơi, tiền vệ sinh được vận động phụ huynh đóng có khi lên tới 100.000 đồng hoặc 150.000 đồng/học sinh/năm thì tại nhiều trường học ở thị xã La Gi, mức thu vận động chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/học sinh/năm học.
Sẽ có người thắc mắc: Vì sao có quy định cấm thu khoản tiền vệ sinh nhưng nhiều trường học vẫn thu? Trong thực tế, nếu mỗi nhà trường không có được khoản tiền này sẽ lấy gì trả công cho người dọn nhà vệ sinh của học trò?
Thu nhập của những tạp vụ nhà trường một tháng chưa tới 2 triệu đồng, làm sao họ có thể kiêm nổi cả việc dọn nhà vệ sinh? Nếu không thuê tạp vụ dọn, ai sẽ là người đứng ra dọn dẹp? Nhà vệ sinh mỗi ngày được dọn dẹp ít nhất 2 lần nhưng tình trạng hôi khai còn không chấm dứt. Nếu không được dọn dẹp thường xuyên trong ngày sẽ thế nào?
Vì thế, khi vấn đề dọn nhà vệ sinh được đưa ra ở các trường thì gần như 100% phụ huynh đều đồng thuận đóng góp. Nhiều phụ huynh còn đưa ra ý kiến phải nâng mức ủng hộ lên khoảng 100.000 đồng/năm chứ để mức ủng hộ như cũ từ 30.000 - 50.000 đồng sẽ quá ít.