Chống lạm thu đầu năm học mới bằng cách nào?

08/09/2023, 05:55

Hầu như năm học nào, câu chuyện lạm thu cũng trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thường xuyên có những chỉ đạo về chống lạm thu. Nhiều địa phương cũng ra công văn quán triệt không được để xảy ra tình trạng lạm thu trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu ở nhiều trường học trong cả nước vẫn khiến dư luận bàn tán vì bức xúc.

Thu thế nào để không phải là lạm thu?

Lạm thu được hiểu như thu quá mức quy định. Vậy thu theo quy định sẽ là những khoản nào nhà trường được phép thu?

loi-dan-don-hoc-sinh-vao-lop-1-so-1-229143.jpg

Đó là tiền học phí - bậc mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông, theo quy định của nhà nước. Tiền bảo hiểm y tế (thu hộ), tiền ấn phẩm. Tiền mua quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao.

Bậc mầm non và tiểu học có thêm tiền phục vụ bán trú như mức thu tiền ăn, tiền trang thiết bị phục vụ…

Một số khoản thu theo thỏa thuận của phụ huynh có thể chấp nhận được như tiền vệ sinh (thuê người dọn nhà vệ sinh cho học sinh), bảo hiểm tai nạn, quỹ hội cha mẹ học sinh (ai ủng hộ bao nhiêu thì tùy). Tiền học buổi 2 (bậc tiểu học), tiền học phụ đạo bậc trung học.

Không đúng với tinh thần tự nguyện

Phần lớn lạm thu là do nhà trường, giáo viên vận dụng sai tinh thần tự nguyện thành bắt buộc nên nhiều phụ huynh cảm thấy ấm ức và bức xúc. Thay vì, mình muốn đóng góp, ủng hộ bao nhiêu là tùy tấm lòng, tùy vào hoàn cảnh gia đình thì nay lại bị buộc phải đóng theo số tiền đã ấn định.

Khoản tiền gây tranh cãi nhiều nhất là tiền hội phí. Theo quy định của Thông tư 55 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT, khoản tiền này phụ huynh sẽ đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường học hiện nay, đều đưa ra mức giá sàn tối thiểu - phụ huynh chỉ được đóng bằng và cao hơn mà không được đóng ít hơn.

Có đủ mức giá sàn tùy thuộc vào từng trường học. Ở bậc tiểu học, có trường đưa mức đóng 100.000 đồng/học sinh/năm. Trường quy định 150.000 đồng, rồi 200.000 đồng…

Bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, mức giá đưa ra cao hơn. Có trường 200.000 đồng/học sinh, trường 250.000 đồng, trường lại 300.000 đồng/học sinh. Có trường lại thu theo học kỳ, một hình thức để tránh bị phát hiện thu cao.

Với một số gia đình, đóng thêm cho con một vài trăm ngàn/năm cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên, với gia đình đông con hoặc khó khăn đó là một khoản tiền khá lớn đối với họ.

Chấm dứt bằng cách nào?

Khách quan nhìn nhận, từ nhiều năm nay, tại nhiều trường học trong địa bàn tỉnh không xảy ra chuyện phụ huynh tố cáo trường học lạm thu như nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, không đến mức bị tố cáo nhưng vẫn có tình trạng gây bức xúc cho không ít phụ huynh. Đó là việc, áp giá sàn khoản tiền hội phí. Kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền mua ti vi, đèn chiếu. Có lần đi họp phụ huynh cho người thân ở một trường trung học phổ thông tại thị xã. Giáo viên chủ nhiệm thông báo, tiền hội phí năm nay 250.000 đồng/học sinh. Tiền mua ti vi cho lớp đổ đồng 300.000 đồng/học sinh.

Nhiều tiếng xì xào nổi lên nhưng chẳng ai dám phản ứng. Thế rồi, biên bản được thông qua “phụ huynh đã thống nhất với nội dung triển khai của nhà trường”. Để chấm dứt tình trạng lạm thu phải làm gì? Câu hỏi không chỉ phụ huynh mà giáo viên cũng đặt ra.

Đầu tiên, lớp học đó phải tìm và cử cho được một vị hội trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh thẳng thắn, công tâm để bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh của lớp. Mỗi phụ huynh cũng cần mạnh dạn, thẳng thắn nêu ý kiến về những khoản thu bất hợp lý.

Những kế hoạch, những khoản sẽ thu ngoài quy định nếu phụ huynh, nếu các Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp, trong trường không nhất trí cũng sẽ không có trường học nào dám triển khai để thu.

Địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hàng năm về cách thức thu những khoản tiền tự nguyện. Dấu hiệu để nhận biết rõ nhất là danh sách nộp tiền của phụ huynh. Không có tự nguyện nào mà lớp 35 người (45 người bậc trung học) thì cả 45 đều đóng chung một mức tiền. Sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục nào để xảy ra tình trạng lạm thu.

PHAN TUYẾT

Related articles
Tỉnh đoàn thăm hỏi các gia đình bị nạn trong vụ cháy nhà tại TP. Phan Thiết
Chiều 2/9, Bí thư Tỉnh đoàn Trương Minh Quang cùng Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Trần Thị Hòa Xuân đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình anh Nguyễn Hữu Đốn (35 tuổi), người đã tử vong do điện giật khi lao vào đám cháy cứu người tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết.

(3) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống lạm thu đầu năm học mới bằng cách nào?