Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra trong Lễ hội Dinh Thầy Thím

25/08/2023, 10:27

BTO-UBND thị xã La Gi vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa – du lịch Dinh Thầy Thím thị xã La Gi năm 2023.

Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 28 - 30/10/2023 (14 – 16/9 âm lịch), tại Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến). Chương trình gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm các nghi thức như lễ nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ nhập điện an vị, dâng cỗ bánh cúng Thầy Thím, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, lễ thỉnh sanh, giỗ tiền hiền và cúng binh gia, nghi thức chánh lễ.

dinh-thay-thim.-dinh-hoa.-2022.jpg
Nghi thức lễ hội năm 2022 (ảnh Đình Hòa)

Phần hội có nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của cư dân miền biển như biểu diễn thi đấu cờ tướng, biểu diễn lân- sư - rồng, các hội thi: kéo co, chim hót mở rộng, làm bánh, các trò chơi dân gian: thu hoạch thanh long, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, đan lưới mở rộng; chương trình ca múa nhạc, tạp kỹ, đàn ca tài tử… Ngoài ra, trong lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận và một số đài truyền hình khu vực vào lúc 16h30 ngày 28/10, sẽ có hoạt cảnh sân khấu hóa về sự tích Thầy Thím, đọc kim sách, dâng hương đảnh lễ Thầy Thím, chương trình nghệ thuật ca ngợi về vùng đất La Gi nói riêng và Bình Thuận nói chung hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”…

dinh-thay-thim.-dh.-2022.jpg
Một hoạt động trong Lễ hội Dinh Thầy Thím năm 2022 (ảnh Đình Hòa)

Năm nay, tại lễ hội còn có các hoạt động hấp dẫn dự kiến diễn ra trước, sau và song song như Giải đua xe đạp mở rộng thị xã La Gi ngày 22/10; bóng chuyền bãi biển mở rộng ngày 24/10; triển lãm sinh vật cảnh từ ngày 26 – 31/10; triển lãm giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã từ ngày 26/10 – 5/11.

Lễ hội Dinh Thầy Thím từ lâu được coi là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam. Không gian lễ hội còn là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.

THÙY LINH

Related articles
Độc đáo Lễ hội cầu ngư
Sáng ngày 6/8, tại Vạn Thủy Tú, nơi trưng bày bộ xương cốt của loài cá Ông (cá voi) đã diễn ra Lễ hội cầu ngư, trong khuôn khổ năm du lịch quốc gia Bình Thuận “Hội tụ xanh”

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra trong Lễ hội Dinh Thầy Thím